Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1 - 15/3/2023

02/01/2023 13:45 PM

Tại Nghị quyết 170/NQ-CP, những nội dung nào được lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)? - Vân Anh (Vũng Tàu)

Nội dung lấy ý kiến Nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1 - 15/3/2023

Nội dung lấy ý kiến Nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1 - 15/3/2023

Chính phủ ban hành Nghị quyết 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

1. Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo khoản 1 Mục II Kế hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết 170/NQ-CP, các đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:

- Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội,

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác;

- Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

2. Nội dung lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cụ thể, các nội dung lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm:

- Lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

- Lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm:

(1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

(3) Phát triển quỹ đất;

(4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

(5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai;

(6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất;

(7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất;

(8) Phân cấp, giảm sát, kiểm soát quyền lực;

(9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Kế hoạch này.

- Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến như sau:

+ Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

(1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

(2) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

(3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

(4) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

(5) Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa;

(6) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai;

(7) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác:

(1) Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;

(2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất;

(3) Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất;

(4) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất;

(5) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;

(6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể;

(7) Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

(8) Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.

(Khoản 2 Mục II Kế hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết 170/NQ-CP)

+ Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

(1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

(2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất;

(3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(4) Chính sách đất đại đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

(5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

(6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất;

(7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất;

(8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;

(9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

+ Các chuyên gia, nhà khoa học:

(1) Phạm vi điều chỉnh;

(2) Giải thích từ ngữ;

(3) Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(4) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm;

(5) Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không;

(6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

3. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian lấy ý Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Xem thêm Nghị quyết 170/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2022.

Chia sẻ bài viết lên facebook 25,202

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079