Bộ Y tế muốn nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

21/05/2015 10:23 AM

Từ kinh nghiệm đã học hỏi về mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, thời gian tới Bộ Y tế sẽ triển khai nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình.

Trong chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp tìm hiểu thực tế về công tác xây dựng chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ và cải cách y tế ở nước bạn.

Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia với hơn 70 triệu dân, đã trải qua những khó khăn thách thức trước khi tiến hành cải cách hệ thống y tế một cách thành công.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bác sỹ gia đình (BSGĐ) được đào tạo theo hệ đa khoa và làm việc ở trung tâm y tế xã, trong số đó, 80% các BSGĐ làm việc cho các cơ sở y tế công lập, 20% làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập.

Trung tâm BSGĐ có các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khá toàn diện, từ tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đến sàng lọc ung thư...

Tại các trung tâm này, BSGĐ khám bệnh, kê đơn thuốc, và yêu cầu xét nghiệm khi cần thiết. Các bệnh phẩm xét nghiệm được gửi đến các trung tâm xét nghiệm tuyến tỉnh/thành phố đối với các khu vực đô thị và gửi đến bệnh viện đa khoa tuyến huyện đối với khu vực nông thôn để phân tích và cho kết quả.

Các hoạt động khám chữa bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ được gắn kết chặt chẽ với hệ thống BHYT, các dịch vụ y tế được BHYT chi trả, do đó người dân được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế.

Một điểm khác biệt đáng lưu ý trong hệ thống y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đó là không có nhà thuốc tại các bệnh viện. Đơn thuốc do các bác sĩ kê được thực hiện tại các hiệu thuốc, chi phí sẽ do bảo hiểm thanh toán, nên người mua cũng không phải trả tiền tại quầy thuốc.

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho cá nhân, hộ gia đình, tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe hộ gia đình và cộng đồng; cung cấp toàn bộ các chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác.

Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế đã thí điểm thành lập phòng khám BSGĐ theo các mô hình: Phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám BSGĐ tư nhân theo cụm dân cư. Mục tiêu là thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án; sau đó, từ năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Mô hình BSGĐ được đánh giá là mô hình y tế hiệu quả cao, chi phí thấp, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân và là một trong những hoạt động Bộ Y tế kỳ vọng sẽ giúp giảm tải tại các bệnh viện.

Theo đại diện Bộ Y tế, từ kinh nghiệm đã học hỏi về mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình BSGĐ với một số chính sách kèm theo, phù hợp với nước ta, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bao gồm cả dự phòng và điều trị một cách gần dân và hiệu quả nhất.

Vũ Khoa

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,228

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079