Buồng giam riêng cho người chuyển giới gây tranh cãi

03/06/2015 08:16 AM

Trong khi Phó chánh án TAND TP HCM băn khoăn với quy định người chuyển giới được giam ở phòng riêng vì số phạm nhân này ít, khó quản lý thì Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng tốt nhất nên cho họ ở riêng để tránh nhiều hệ lụy.

Chiều 2/6, thảo luận tại tổ về dự án luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Phó chánh án TAND TP HCM) cho rằng, dự luật quy định người chuyển giới được giam ở phòng riêng chưa ổn vì lâu lâu mới có một người chuyển giới phạm tội. Hơn nữa, để họ ở một mình một phòng sẽ không quản lý được.

"Ở chung với nam không được, ở với nữ cũng không xong, vấn đề này đang rất vướng. Quản lý đối tượng này vô cùng khó vì không biết là nam hay nữ mà thực hiện theo chế độ", ông Ánh giải thích.

Người chuyển giới trong trại giam. Ảnh: Quốc Thắng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng trước nay vẫn quy định phạm nhân nam giam chung với nam, nữ giam chung với nữ. Thực tế có người chuyển giới từ nam sang nữ, nhưng vẫn còn nhiều đặc tính đàn ông thì khi giam chung với nữ sẽ rất rắc rối. Nếu giam ở phòng phạm nhân nam cũng không ít phiền hà. "Tôi đồng ý giam riêng những người chuyển giới, chúng ta có đủ cơ sở hạ tầng để làm việc đó vì đối tượng phạm tội là người chuyển giới không có nhiều", ông Đương nói.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chia sẻ, với nhóm đối tượng là người chuyển giới, Đồng Nai đã cho giam riêng vì thực tế nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. "Thực tiễn giam chung đã xảy ra nhiều hệ luỵ, chủ yếu liên quan đến vấn đề tâm sinh lý, quấy rối tình dục. Khi họ chuyển giới thành nữ, mình giam ở nam không được, xin sang nữ cũng không ổn. Vậy tốt nhất là cho ở riêng", ông Khánh nói.

Về quyền khiếu kiện trong khi thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh cho biết, trước đây người bị tạm giữ bị nhốt, cho hỏi gì thì mới được nói. Hiện nay, dự thảo luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam được quyền khởi kiện những vấn đề họ thấy bất công. Thực tế vụ Nguyễn Thanh Chấn ông ta đã kêu rất nhiều lần bị oan nhưng không ai nghe.

"Người tạm giữ, tạm giam chưa phải bị can, bị cáo mà mới bị hạn chế một số quyền nhất định như đi lại, các quyền cơ bản của con người vẫn còn. Vậy nên tôi ủng hộ để họ có quyền khiếu kiện khi thấy mình bị oan sai hoặc khi thấy quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không đúng", tướng Khánh nói.

Theo ông, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, lâu nay không phải không có nhưng chưa thành luật mà chỉ là pháp lệnh nên chưa đầy đủ. Vì vậy, việc quy định quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam là cần thiết.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng cho biết giam giữ án tử hình cực kỳ phức tạp, khoảng cách từ nơi giam giữ đến nơi thi hành án xa. Vì vậy nên xây trại tập trung gần chỗ thi hành án tử hình để giảm đi lại tốn kém. Ví dụ ở Bình Phước có một địa điểm thi hành án tử, Cà Mau, Vĩnh Long, TP HCM… đều phải chuyển phạm nhân về đây rất vất vả.

"Hiện nay Việt Nam thực hiện việc tử hình bằng cách tiêm thuốc độc, chi phí khá tốn kém, gấp nhiều lần so với tử hình bằng súng trước đây. Tôi đồng tình đề nghị thành lập các khu vực thi hành án tử hình, hoặc nên có xe tử hình di động", đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu.

Hoàng Thuỳ

Theo VnExpress

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,229

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079