Bộ Y tế “đội sổ” về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

23/06/2015 07:52 AM

Theo kết quả do VCCI công bố, ba bộ xếp hạng cuối bảng gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường và cuối cùng là Bộ Y tế.

VCCI đánh giá chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành kém nhất trong 14 bộ liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn giám sát làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ngày 18-6 - Ảnh: Dương Ngọc

Chiều 22-6, Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ - MEI, “chấm điểm” việc hoạt động của 14 bộ có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Kết quả, với chỉ số chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn được đánh giá đứng đầu với 66 điểm, tiếp theo là Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Giao thông vận tải...

Đáng lưu ý, những bộ có tác động rất mạnh tới hoạt động kinh doanh lại bị đánh giá không cao, như Bộ Công thương đứng thứ bảy với 62,5 điểm, Bộ Tài chính đứng thứ 10 với 60,3 điểm...

Ba bộ xếp hạng cuối bảng gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường và cuối cùng là Bộ Y tế.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI, việc cơ quan này thực hiện “chấm điểm” các bộ là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai nghị quyết 19/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Báo cáo của VCCI cho biết việc điều tra đã được tiến hành trên 228 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho trên 409.000 doanh nghiệp, tổ chức, kinh doanh trên cả nước.

Qua việc khảo sát và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Vũ Tiến Lộc cho biết kết quả gần đây cho thấy cải cách ở các địa phương đang chựng lại, một phần do những quy định ở trung ương. Các lãnh đạo địa phương thường “kêu” họ không “đẻ” ra thủ tục, mà những thủ tục đó ở trung ương. Vì vậy, việc “chấm điểm” các bộ được VCCI thực hiện.

Thông cáo của VCCI cho biết kết quả MEI là sự khích lệ đầy ý nghĩa để các bộ tiếp tục cải cách trong các hoạt động pháp luật của mình. MEI cũng là cảnh báo quan trọng để các bộ tập trung nỗ lực đặc biệt vào cải thiện hiệu quả hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật - một hoạt động quan trọng làm tiền đề cho hiệu quả các hoạt động pháp luật khác của các bộ.

Trong bản tuyên bố, VCCI khẳng định chỉ số MEI công bố năm nay cho thấy sự minh bạch của các bộ đang được cải thiện trong việc công bố thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật nhưng lại kém đi trong soạn thảo văn bản pháp luật.

“Chỉ số soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có điểm số điểm bình quân giảm so với chỉ số MEI 2012” - báo cáo viết và cho rằng “trong bối cảnh bức tranh MEI trong tổng thể đang sáng dần lên thì góc tối soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lại tối hơn là rất đáng quan ngại”.

5 chỉ số độc lập đánh giá của MEI

Chỉ số MEI đánh giá các bộ có năm bảng xếp hạng riêng cho các bộ, gồm các chỉ số:

- Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

- Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Tổ chức thi hành pháp luật

- Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật

Nguồn: VCCI

C.V.KÌNH

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,353

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079