1. Quy định mới về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi
Ngày 05/6/2015, Bộ Giao thông và Vận tải ban hành Thông tư 21/2015/TT-BGTVT về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.
Theo đó, quy định rõ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của:
- Nhân viên đường sắt làm việc theo ban;
- Nhân viên đường sắt làm việc trên đoàn tàu.
Đồng thời, Thông tư còn đề cập đến nghỉ hàng tuần, hàng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ khác và các quy định khác.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 và thay thế cho Thông tư 23/1998/TT-BGTVT.
2. Hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ
Ngày 23/6/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường hoặc Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm hoặc Số sản phẩm làm thêm.
Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.
Ngoài nội dung trên, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH còn hướng dẫn cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.
Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2015 và các chế độ tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/3/2015.
3. Danh mục thiết bị dạy nghề mới
Từ ngày 01/8/2015, nhiều Danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề mới bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể như sau:
- Thông tư 18/2015/TT-BLĐTBXH với 22 nghề như: Chạm khắc đá; Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; Lái tàu đường sắt; Thông tin tín hiệu đường sắt…
- Thông tư 19/2015/TT-BLĐTBXH với 36 nghề như: Sửa chữa thiết bị tự động hóa; Sửa chữa thiết bị chế biến dầu khí; Bảo vệ môi trường đô thị; Xử lý rác thải; Chế biến lương thực; Lắp đặt thiết bị lạnh…
- Thông tư 20/2015/TT-BLĐTBXH với 40 nghề như: Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Xây dựng cầu đường bộ; Nguội sửa chữa máy công cụ; Kỹ thuật máy nông nghiệp…
4. Quy định chương trình khung cho 11 nghề
Từ ngày 01/8/2015, Thông tư 21/2015/TT-BLĐTBXH và 22/2015/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực.
Theo đó, quy định chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề cho 11 nghề sau đây:
- Phiên dịch tiếng anh du lịch;
- Marketing du lịch;
- Kỹ thuật làm bánh;
- Điều dưỡng;
- Kế toán lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội;
- Tự động hóa công nghiệp;
- Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220kv trở lên;
- Kỹ thuật truyền hình cáp;
- Công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su;
- Kiểm ngư;
- Trồng rau.
5. Hướng dẫn xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao
Ngày 26/6/2015, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch ban hành Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao quy định tại Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.
Thanh Hữu