Pháp luật cần thực tiễn hơn

30/09/2015 08:01 AM

Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ được nhu cầu của cuộc sống để mọi người thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình

Đi đôi với việc phát triển kinh tế luôn tồn tại mặt tiêu cực của một bộ phận không nhỏ người dân, thể hiện qua việc chưa chấp hành pháp luật. Để có thể giải quyết vấn đề trên, ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này.

Cần hoàn thiện công tác giáo dục

Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển đáng kinh ngạc nhưng thiếu toàn diện. Một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn. Trong cuộc mưu sinh, họ đã vô tình vi phạm những quy định của pháp luật, dù biết đó chỉ là hành vi. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền cũng ảnh hưởng đến ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Kế đến là sự ảnh hưởng của giáo dục. Sự phát triển không đồng đều về mặt kinh tế dẫn đến cơ hội được học tập, tiếp thu kiến thức giữa các nơi, giữa người này với người khác không giống nhau. Chính sách giáo dục chưa hoàn thiện nên ảnh hưởng nhất định đến ý thức pháp luật đối với người dân là điều không thể tránh khỏi.

pháp luật

Người thi hành công vụ cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Pháp luật là một công cụ quan trọng để nhà nước quản lý xã hội nhưng đây không phải là công cụ duy nhất. Song song đó, đạo đức xã hội đóng vai trò thiết yếu để người dân có thể ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, trong các quan hệ mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. Người dân cần phải ý thức được vai trò của pháp luật, của đạo đức xã hội thì mới có thể góp phần phát triển được đất nước.

Mặt khác, chế tài của pháp luật hiện chưa thật sự đủ sức răn đe và người thực thi pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ và thái độ. Cuộc sống luôn chuyển động, các quan hệ, sự kiện pháp lý luôn xảy ra nhưng pháp luật không thể đáp ứng kịp thời do thủ tục ban hành pháp luật cần có một thời gian nhất định. Khi pháp luật được ban hành, quan hệ cần điều chỉnh lại thay đổi theo một hướng khác dẫn đến pháp luật luôn đi sau. Ngoài ra, thay vì mềm dẻo, người thi hành pháp luật lại áp dụng cứng nhắc dẫn đến tâm lý phản ứng nên mục đích pháp luật không đạt được.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Để khắc phục những nguyên nhân trên, trước hết cần có những tấm gương tốt và đẩy mạnh giáo dục đạo đức. Khi người dân được tiếp xúc nhiều tấm gương trong cuộc sống, cũng như việc tuân thủ pháp luật thì họ sẽ dần dần “bắt chước”, tình trạng thiếu ý thức của cộng đồng sẽ phần nào được giải quyết. Nhà trường, gia đình cần giáo dục vấn đề đạo đức cho học sinh, sinh viên, con em mình. Đây là những nơi, những người thân thuộc nhất, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và ứng xử sau này của các em.

Khi xây dựng các quy định pháp luật, phải xuất phát từ thực tế và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, có nhiều quy định còn xa rời cuộc sống. Điều này đã vô tình làm người dân mất đi lòng tin vào khả năng xây dựng pháp luật của cơ quan thẩm quyền. Cần phải xây dựng mối quan hệ vừa mang tính quyền lực nhà nước vừa mang tính thân thiện, có như thế thì người dân mới có thể tiếp thu, không tái phạm và sẽ trở thành một trong những người tuyên truyền về pháp luật.

Trong thời đại khoa học - công nghệ hiện nay, người dân có xu hướng chỉ tiếp thu những hình thức trực quan, sinh động. Hình thức tuyên truyền bằng lời nói, văn bản hay tiêu đề trên biển báo đã không còn phù hợp. Ta có thể áp dụng các mạng xã hội để tuyên truyền những chính sách, văn bản pháp luật mới ban hành. Đây có thể là một hướng tuyên truyền mới, có tính đột phá.

Nâng tầm người thi hành công vụ

Để nâng cao ý thức pháp luật đối với người thi hành công vụ, nhà nước cần tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hơn đối với đội ngũ này. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của người thi hành công vụ phải thường xuyên và đặt lên hàng đầu. Kiên quyết xử lý thích đáng những trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, loại bỏ tư tưởng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, xử lý người đứng đầu cơ quan khi có cán bộ vi phạm.

Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,331

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079