Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xung phong hiến tạng

27/10/2015 11:18 AM

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm sự bà đã đăng ký hiến tạng và cho rằng đây là làm việc phúc đức, giúp người nên không có tôn giáo nào phản đối.

nguyễn thị kim tiến thư viện pháp luật

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: "Tôi chẳng hề e sợ việc xung phong hiến tạng vì mình theo duy vật biện chứng mà". Ảnh: Thế Dũng

Sáng 27-10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013 và trên trang fanpage của bà đã nêu rõ việc này và kêu gọi mọi người dân cùng hưởng ứng tham gia.

“Tôi chẳng hề e sợ việc xung phong hiến tạng vì mình theo duy vật biện chứng mà. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ. Việc này là hết sức cần thiết và người dân nên tham gia hành động rất có ý nghĩa này. Vì khi bệnh nhân chết não thì chắc chắn sẽ chết mà đem chôn hay thiêu thì đều chở về cát bụi. Và với tạng được hiến sẽ có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống”- Nữ Bộ trưởng Y tế trải lòng.

Theo Bộ trưởng Tiến, đúng là khi hiến tạng người nhà có thể buồn nhưng người hiến tạng khi nhắm mắt xuôi tay sẽ cảm thấy ấm lòng vì sự ra đi của mình đã cứu được mạng người khác hay giúp người khác sống khoẻ mạnh hơn. “Hơn nữa quả tim, thận, đôi mắt… của người thân vẫn đang còn sống ở người được ghép. Lúc đó mắt người thân vẫn nhìn thấy mọi điều, tim vẫn đập. Và chính người thân cũng sẽ vui khi có cảm giác người thân vẫn còn sống. Thầy thuốc là cầu nối cũng sẽ hạnh phúc khi giúp được bệnh nhân. Người hạnh phục nhất chính là bệnh nhân được ghép. Và kết quả có tới 4 người hạnh phúc”- bà Tiến bộc bạch.

Bộ trưởng Y tế chia sẻ qua tìm hiểu Công giáo, Phật giáo không thấy nói đến việc khuyên con người không nên tạng giúp người vì tôn giáo nào cũng khuyên người dân làm việc phúc đức, cứu người, làm thiện người. “Tôi có hỏi Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc này và thầy cho biết là nhà Phật rất ủng hộ, thậm chí có một bộ kinh có khuyên răn càng làm thiện nguyện càng nhanh được siêu thoát chứ không phải không toàn thây là không được siêu thoát. Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa mà”- bà Tiến nói.

Bà Tiến cho hay bà xung phong là chủ tịch Hội những người hiến tạng và ghép tạng để giúp đẩy nhanh việc kêu gọi mọi người tham gia, còn sau này hội sẽ bỏ phiếu bầu dân chủ. Hiện đã có Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng đăng ký hiến tạng. Hy vọng tới đây có nhiều vị lãnh đạo khác cũng nhiệt tình hưởng ứng. “Động lực để tôi tham gia hiến tạng là mong muốn giúp người bệnh và với vai trò người đứng đầu ngành Y tế thì tôi càng phải đi đầu để mọi người tích cực hưởng ứng”- bà Tiến nói.

Người đứng đầu ngành Y tế cho hay các nước phát triển việc này rất phổ biến và người hiến tạng được cấp thẻ song so với nhu cầu thực tế thì vẫn không thấm tháp bao nhiêu. Trong khi Việt Nam, nghĩa cử cao đẹp này mới sơ khai và trong khi một tuần có tới hàng chục bệnh nhân chết não ở những bệnh viện lớn và số người cần ghép tạng thì rất lớn. Như bệnh nhân chạy thận nhân tạo rất khổ sở nếu được người khác tặng thận thì quý giá vô cùng. “Mấy ca sĩ ở miền Nam bị suy thận ốm yếu lắm nhưng sau khi được ghép, sức khoẻ trở lại lên sân khấu múa hát ầm ầm”- bà Tiến dẫn chứng.

Bộ trưởng Tiến cho rằng không có chuyện lợi dụng nguồn tạng để trục lợi, “phân phối” vì có sự giám sát của cộng đồng, cơ quan và khoảng khắc ghép chỉ mấy tiếng đồng đồ. Bộ Y tế sẽ lập 3 trung tâm tiếp nhận hiến tạng ở 3 miền, có đường dây nóng tiếp nhận. Sau này sẽ thành lập ngân hàng tạng.

Hiện, cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, dù rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn trên 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Những bệnh nhân này đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến quá khan hiếm.

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26-9-2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.

Thế Dũng

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,641

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079