Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời hơn 20 câu hỏi của đại biểu

18/11/2015 10:21 AM

Hơn 9h sáng ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời 24 câu hỏi của 18 đại biểu Quốc hội. Nội dung những câu hỏi gửi đến Thủ tướng tập trung vào vấn đề kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, lãng phí và về vấn đề biển Đông…

Về tình hình kinh tế xã hội đến tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2015. Trong tháng 10 và tháng 11, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực. Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

thủ tướng nguyễn tấn dũng thư viện pháp luật

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời chất vấn sáng 18/11

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế… tiếp tục chuyển biến tích cực.

“Tuy còn không ít khó khăn hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội. Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã được đề cập toàn diện trong Cương lĩnh, Hiến pháp, nhiều Nghị quyết của Đảng và trong dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - Xã hội trình Đại hội XII của Đảng.

Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn đề nghị Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Thủ tướng cho rằng đó là vấn đề có phạm vi rất rộng. Thủ tướng xin nhấn mạnh một số nội dung cụ thể như nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường.

Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện nội dung nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng cho biết, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường…

Các đại biểu Hà Sỹ Đồng, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa chất vấn đề nghị Thủ tướng cho biết về nội dung giảm nghèo đa chiều và các giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tính toán bước đầu, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay khoảng 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% và dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2015.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm…Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho huyện nghèo, xã nghèo. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đây là vấn đề được đồng bào cử tri cả nước, nhất là người lao động rất quan tâm. Các Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề này.

Theo Thủ tướng với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này.

Theo cam kết trong Hiệp định TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.

Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được một khoảng thời gian hợp lý nêu trên để chúng ta chuẩn bị là thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện tốt những quy định về lao động của ILO.

Sau khi Hiệp định TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Đối với nội dung về lao động trong Hiệp định, chúng ta sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật (có thể là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.

“Việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Quang Phong

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,488

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079