Trong buổi làm việc đầu tiên sáng 16/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Chính phủ sẽ đọc báo cáo trước khi đại biểu chất vấn trực tiếp.
Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra, Trưởng ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo và Văn phòng Quốc hội đọc nội dung thẩm tra, giám sát, các đại biểu thảo luận, chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết đợt chất vấn này sẽ "đòi nợ" Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường về vụ bôi trơn sổ đỏ. "Tôi đã nói thẳng rồi, Bộ trưởng còn nợ mà không trả. Bộ trưởng đã làm văn bản gửi Hà Nội và thanh tra có kết luận gửi cơ quan điều tra cả năm nay rồi mà không thấy tung tích đâu nữa, chứng cứ thì rõ ràng nhưng không làm gì", ông Cương nói.
Đồng thời, ông sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về vấn đề phân bón giả. Trong các phiên thảo luận kinh tế xã hội vừa qua, ông đã đưa vấn đề này ra và nhận được nhiều phản hồi từ cử tri cả nước. Nhân dân cho biết không chỉ tình trạng phân bón giả mà còn giống cây trồng, vật nuôi. Cái gì cũng có thể làm giả khiến người nông dân cực khổ vô cùng.
"Đó là chưa kể nạn lừa đảo tràn về nông thôn như bán hàng đa cấp, góp quỹ từ thiện… Ai sẽ là người bảo vệ cho người nông dân, vừa yếu thế vừa nghèo khổ, đã dẫm chân xuống bùn rồi còn bị vùi xuống bùn đen", ông Cương nói và băn khoăn, với tình trạng lừa đảo người dân như vậy thì quy trách nhiệm cho Bộ, ngành nào? Ông yêu cầu Chính phủ phải chỉ đạo các ngành có liên quan để điều tra và xử lý.
Đại biểu Võ Thị Dung nhận xét, khi các Bộ trưởng hứa ở diễn đàn Quốc hội thì rất tâm huyết nhưng thực hiện thì chưa được như mong muốn. Nguyên nhân một phần có thể do cơ chế phối hợp, điều hành chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thân với nhân dân. Bà cho rằng kỳ họp nào cũng nêu lên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, được mùa rớt giá, được giá mất mùa, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền, yếu kém, bộ máy cồng kềnh...nhưng gần hết nhiệm kỳ rồi, cũng có các giải pháp song chưa tiến triển.
"Nghị quyết của Quốc hội chưa có chế tài. Các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành hứa như thế nhưng giờ hết nhiệm kỳ rồi thì mới có dịp nhìn lại chứ không phải kiểm tra theo từng năm. Vì không có tính khả thi trong chế tài nên tính chịu trách nhiệm, kỷ luật buộc các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành thực hiện cho đầy đủ tinh thần Nghị quyết không có. Vì vậy không xử lý được các Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ", bà Dung nói.
Vị đại biểu TP HCM cho hay rất ấn tượng với Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vì dù có khó khăn nhưng rất quyết liệt trong hành động, thể hiện trách nhiệm cao với Quốc hội, cử tri.
Để các Bộ trưởng quyết liệt thực hiện lời hứa, bà Dung kiến nghị cần phải thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ, tư lệnh ngành hàng năm.
Không giống các phiên chất vấn trước đó chỉ có 4 Bộ trưởng, trưởng ngành được lựa chọn trả lời chất vấn, trong phiên áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội này, tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia. Các bộ trưởng có trách nhiệm giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra.
"Các Bộ trưởng phải báo cáo rõ việc thực hiện những nhiệm vụ đã đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nhưng không xử lý hết trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu. Quốc hội sẽ truy đến cùng vấn đề đó", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho biết, sau khi chất vấn xong Quốc hội sẽ có Nghị quyết gửi lại cho khóa sau để có sự theo dõi liên tục, đôn đốc và giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong.
Ông Hạnh Phúc nhấn mạnh, phiên chất vấn này "chưa từng có" cả về hình thức lẫn nội dung. Vì vậy, ông hi vọng với sự đổi mới này, những vấn đề cử tri quan tâm đều được chất vấn và được triển khai liên tục trong thực tế.
"Không phải cứ Bộ trưởng này hết nhiệm kỳ rồi thì những vấn đề đã cam kết không còn được thực hiện. Những vấn đề tồn tại của khóa này chưa được thực hiện thì Bộ trưởng của ngành đó khóa sau phải kế thừa để giải quyết. Ngành đó phải giải quyết đến cùng những vấn đề đại biểu đã chất vấn. Đây là trách nhiệm của ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Trong buổi cuối cùng diễn ra vào sáng 18/11, Thủ tướng có 75 phút từ 10h00 đến 11h15 để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Hoàng Thuỳ
Theo Vnexpress