Chính sách Lao động – Tiền lương có hiệu lực từ tháng 11/2015

04/11/2015 11:24 AM

Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giới thiệu những chính sách mới về Lao động – Tiền lương bắt đầu có hiệu lực trong tháng 11/2015.

1. Chính sách mới đối với lao động nữ

Từ  ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ luật Lao động  về chính sách đối với lao động nữ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, lao động nữ có những quyền lợi như sau:

- Được cải thiện điều kiện lao động: Người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ.

- Được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe như sau:

+ Khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản;

+ Trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 03 ngày/tháng; thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.

+ Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.

- Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu có xác nhận của  cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

- Được người sử dụng lao động hỗ trợ trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo.

2. Thu tiền người lao động tham gia tuyển dụng: phạt đến 3 triệu đồng

Đó là nội dung quan trọng tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

- Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động.

- Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập không đúng thời hạn, không đảm bảo nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.

- Không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực, không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.

- Không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 05 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.

- Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

Nghị định 88 có hiệu lực từ 25/11/2015.

3. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Giáo viên mầm non

Theo Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Giáo viên mầm non được quy định như sau:

- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

- Quý trẻ, yêu nghề; kiên nhẫn, biết tự kiềm chế; có tinh thần trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng cần thiết; có khả năng sư phạm khéo léo.

- Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.

- Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

Thông tư liên tịch 20 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2015.

4. Hệ số lương của giáo viên trung học phổ thông công lập

Từ ngày 03/11/2015, Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78); 

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38); 

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

5. Chính sách đối với đối tượng làm việc tại doanh nghiệp Quân đội

Từ ngày 13/11/2015, Thông tư 114/2015/TT-BQP về bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với đối tượng làm việc tại doanh nghiệp Quân đội thực hiện cổ phần hóa và tại công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm:

-  Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp Quân đội thực hiện cổ phần hóa.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng làm việc tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu.

- Doanh nghiệp Quân đội thực hiện cổ phần hoá, công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh Hữu

Chia sẻ bài viết lên facebook 133,789

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079