Hàng loạt đại gia ngành thép sẽ rất vui vì quyết định này của Bộ Công Thương

18/07/2016 15:05 PM

Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vừa được Bộ Công Thương đưa ra.

Theo đó, văn bản ký ngày 18/7/2016 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ký cho biết, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tự vệ dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Áp thuế tự vệ chính thức trong 04 năm

Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7202.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00).

Đối với mã HS 9811.00.00, biện pháp tự vệ chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến 3 mã HS gốc là 7224.90.00; 7227.90.00; 7228.30.10 và không áp dụng với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến mã HS gốc còn lại.

Tuy nhiên, một số sản phẩm phôi thép và thép dài có một trong các đặc điểm sau đây được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm:

Phôi thép không có mặt cắt ngang hình chữ nhật (kể cả hình vuông), có chiều rộng lớn hơn 2 lần chiều dày, có kích thước trung bình chiều rộng và chiều dày <100mm hoặc >180mm.

Phôi thép chứa một trong các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) thuộc phạm vi sau: C>0,37%; Si > 0,60%; Cr > 0,60%; Ni > 0,60% và Cu > 0,60%.

Thép thanh tròn trơn, đường kính danh nghĩ lớn hơn 14mm; Thép chứa một trong các nguyên tố hàm lượng phần trăm (%) thuộc các phạm vi sau C>0,37%; Si > 0,60%; Cr > 0,60%; Ni > 0,60% và Cu > 0,60%.

Thép dây hợp kim có mã HS 7227.90.00 dùng sản xuất que hàn. Theo đó, các đơn vị nhập khẩu mặt hàng phôi thép, thép dài thuộc các sản phẩm trên, khi nhập khẩu cần cung cấp cho cơ quan hải quan giấy tờ phù hợp để chứng minh hàng hóa nhập khẩu thỏa mãn các tiêu chí được miễn trừ, áp dụng biện pháp tự vệ như trên.

Cụ thể: Sẽ giữ nguyên mức thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép trong vòng 01 năm, tức là đến ngày 21/3/2017 là 23,3%; Từ ngày 22/3/2017 – 21/3/2018 mức thuế còn 21,3%; từ ngày 22/3/2018 – 21/3/2019 mức thuế còn 19,3% và giảm xuống còn 17,3% trong 01 năm sau đó. Từ ngày 22/3/2020 trở đi sẽ về mức 0% nếu không có gia hạn.

Giữ nguyên mức thuế với phôi thép, tăng thuế với thép dài trong năm đầu

Đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế áp dụng sẽ vẫn giữ nguyên là 14,2% theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, cho đến ngày 1/8/2016, tức là trước ngày Quyết định áp dụng biện pháp chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, từ ngày 2/8/2016 đến ngày 21/3/2017, mức thuế sẽ điều chỉnh tăng lên 15,4% áp dụng cho năm đầu tiên; Trong 01 năm sau đó, tức là đến ngày 21/3/2018 mức thuế sẽ là 13,9% và giảm xuống còn 12,4% trong 01 năm tiếp theo; giảm tiếp xuống còn 10,9% đến ngày 21/03/2020 và từ ngày 22/3/2020 sẽ về 0% nếu không gia hạn.

Theo đó, mức thuế tự vệ này được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển, kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu, với điều kiện tổng nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ này không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.

Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ này trong bốn năm, kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực. Sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày.

Trước đó, ngày 25/12/2015 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sau khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thép kêu cứu.

Lời kêu cứu của các đại gia ngành thép được đáp ứng

Điển hình như Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tiếp đến, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel); Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ khi cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn trong năm 2016. Với tình hình này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.

Theo số liệu của VNSteel đưa ra, lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam năm 2015 lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014. Đặc biệt, mức nhập khẩu phôi thép đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD tấn (tháng 1/2015) giảm xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), đã gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất phôi thép trong nước.

Đến ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung

An Ngọc

Theo Trí thức trẻ/Cafef

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,318

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079