Nghị quyết 1212 sửa đổi chế độ công vụ trong ngành Tòa án, Kiểm sát

13/07/2016 16:20 PM

Ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát. Nghị quyết gồm 4 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Bổ sung chức danh Thẩm phán cao cấp vào đối tượng áp dụng Bảng lương A3

Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 bổ sung chức danh Thẩm phán cao cấp vào đối tượng áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án và thuộc Nhóm chức danh loại A3. Quy định nhằm áp dụng Nghị quyết số 81/2014/NQ-QH13 của Quốc hội để Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán TANDTC tiếp tục được hưởng thang, bảng lương theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khi chưa có Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương. Đồng thời, quy định cũng bảo đảm tương ứng với tiền lương của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đối với trường hợp Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được xếp lên một bậc liền kề. Trường hợp đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được cộng thêm 36 tháng để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định của pháp luật.

Sửa đổi về chức danh và hệ số phụ cấp của các chức vụ lãnh đạo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sửa đổi về chức danh và hệ số phụ cấp tại tiết b và tiết c, điểm 8, mục I - Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau: xếp hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Vụ trưởng các Vụ giám đốc, kiểm tra là 1,05; Phó Vụ trưởng các Vụ giám đốc, kiểm tra là 0,85 vì đây là các Vụ nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, việc xếp phụ cấp chức vụ lãnh đạo như vậy bằng mức phụ cấp đối với Chánh tòa, Phó Chánh tòa các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao theo Luật cũ; bằng các chức vụ tương ứng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Nghị quyết cũng bổ sung thêm điểm 11 và mục I (ở Trung ương) Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau: xếp hệ số phụ cấp chức danh lãnh đạo của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao là 1,20; Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao là 1,00; Chánh tòa Tòa án nhân dân cấp cao là 0,90; Phó Chánh tòa Tòa án nhân dân cấp cao là 0,70; Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao và tương đương là 0,85; Phó Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao và tương đương là là 0,65; Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao là 0,55; Trưởng phòng và tương đương thuộc Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao là 0,50; Phó Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao là 0,45; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao là 0,40.

Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Đình Nam

Bổ sung chế độ phụ cấp đối với Thẩm phán TANDTC, Kiểm sát viên VKSNDTC

Tại Điều 3, Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 quy định Thẩm phán TANDTC, Kiểm sát viên VKSNDTC được hưởng phụ cấp hệ số 1,25. Đây là một quy định mới, được bổ sung so với Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, tại các phiên họp thứ 47 và 49, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí cho rằng, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chức danh tư pháp được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm nên việc xếp hệ số phụ cấp 1,25 là phù hợp. Đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mặc dù không phải là chức vụ lãnh đạo nhưng đây là chức danh pháp lý đặc biệt, gồm những chuyên gia pháp lý đầu ngành, có trình độ cao, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân và chỉ có 19 người theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nên cần cho hưởng hệ số phụ cấp 1,25 để bảo đảm phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hệ số phụ cấp này tương ứng với các chức vụ khác trong hệ thống chính trị như Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban kiểm tra trung ương, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương...

Như vậy, sau khi chính thức có hiệu lực thi hành, Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là động lực, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án, Viện kiểm sát trong việc thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, việc ban hành Nghị quyết cũng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 trước đó, đảm bảo việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, thi hành Hiến pháp năm 2013Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Vân Ngọc

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCNVN

Chia sẻ bài viết lên facebook 21,566

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079