Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển KT-XH 2017

08/11/2016 07:51 AM

Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 vào chiều 7/11 với 85,02% số đại biểu tán thành. Trong đó, Quốc hội giao các cơ quan hành pháp và tư pháp phải hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, minh bạch, liêm chính, có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được Quốc hội đặt ra là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại); tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp bền vững, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

12 chỉ tiêu cụ thể được Quốc hội thông qua:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%.

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

- Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị: Dưới 4%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%.

- Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã).

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Loại bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Để đạt được các mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo chức năng của mình tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh thêm nợ xấu, xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước; bảo đảm chi ngân sách Nhà nước phải thực hiện theo dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua. Đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ công chất lượng, phục vụ chuyên nghiệp hơn theo cơ chế thị trường gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; nghiên cứu và thực hiện tách dịch vụ công ra khỏi quản lý Nhà nước; hoàn thiện mô hình, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập khi có đủ điều kiện.

Các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ rào cản đầu tư kinh doanh bất hợp lý. Phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN. Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, minh bạch, liêm chính, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Các cơ quan Nhà nước thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Lựa chọn ưu tiên trong bố trí vốn đầu tư công cho các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển giữa các vùng, giữa nước ta với khu vực. Triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn đang triển khai của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển, tiếp tục triển khai tuyến đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông, các dự án, công trình y tế, giáo dục đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm tái cơ cấu cũng như các nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Cả nước triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công với cách mạng. Phát triển thị trường lao động, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dạy nghề, thực hiện phân luồng đào tạo nghề. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, đồng thời tăng năng suất lao động nội ngành, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ này đạt 60%.

Ngoài ra là các giải pháp để đạt được các mục tiêu, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch; bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông.

Thành Chung

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,428

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079