Công an được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới

31/10/2016 16:21 PM

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trình ra Quốc hội chiều nay 31/10 cho phép người thi hành nhiệm vụ được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: Hoàng Long)

Trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được bảo đảm chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích; công tác bảo quản, kiểm kê vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đi vào nền nếp. Hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh... Do đó, đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã trang bị hơn 337.400 loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định; cấp hơn 321.600 giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ, 6.116 đối tượng; truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ...

 “Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm nhấn mạnh, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.

Không được nổ súng khi biết rõ đó là phụ nữ, trẻ em

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến tán thành với các quy định về đối tượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị tại dự thảo luật.

Theo dự thảo, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; cảnh sát biển; công an nhân dân; cơ quan điều tra của VKSND Tối cao; lực lượng cơ yếu; kiểm lâm, kiểm ngư; lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu; an ninh hàng không.

 “Có ý kiến đề nghị bổ sung công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, vì cho rằng, thực tế lực lượng này có nhu cầu và đã được trang bị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã vì đây không phải là lực lượng công an nhân dân chính quy”- ông Việt nói.

Về quy định nổ súng, đa số ý kiến tán thành với các quy định về nổ súng tại điều 21 của dự thảo luật này. Cụ thể, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc: Nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

 “Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra”- dự thảo nêu rõ.

Ngoài ra, người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp sau: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp tang vật, phương tiện vi phạm.

Dự thảo cũng đề xuất được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau: Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Người thi hành nhiệm vụ được phép nổ súng mà không cần cảnh báo nếu đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác....

Theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến đề nghị luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác.

Thế Kha

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 13,095

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079