Vì sao ngành Giao thông không mặn mà với phiếu kiểm soát lái xe?

30/11/2011 11:53 AM

Với số thương vong tăng với tốc độ chóng mặt, tai nạn giao thông đã bị coi là “quốc nạn” của Việt Nam hiện nay. Một trong những nguyên nhân của “quốc nạn” này là ý thức quá kém của người điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó, liên ngành giao thông - công an đã cùng nghĩ tới một ý tưởng nhằm kiểm soát lái xe. Tuy nhiên, cùng một ý tưởng, nhưng hướng tư duy của hai ngành lại rất khác nhau. Vì sao?

Quản lý bằng mạng thông tin sẽ hiệu quả hơn phiếu kiểm soát lái xe.
Quản lý bằng mạng thông tin sẽ hiệu quả hơn phiếu kiểm soát lái xe.

Không mới!

Trước thực trạng “chỉ phạt tiền thì tài xế không sợ”, cách đây không lâu, liên ngành giao thông – công an đã cùng đề xuất ý kiến về một ý tưởng quản lý lái xe vi phạm, để từ đó có thể giám sát việc tái phạm của lái xe, áp dụng mức phạt tăng nặng theo số lần vi phạm như Nghị định 34 quy định.

Sau đó, tháng 8 vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất cấp phiếu kiểm soát lái xe cho mỗi tài xế. Theo đó, trong quá trình lưu thông, cảnh sát giao thông phát hiện người lái xe vi phạm thì ghi vào phiếu kiểm soát hoặc cắt ô trên phiếu. Cảnh sát sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để cấp lại, hoặc xử lý thu hồi có thời hạn hoặc không có thời hạn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe.

Đề xuất này đã dấy lên mối lo ngại trong giới vận tải vì thêm một loại "giấy phép con". Trong văn bản gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải, lãnh đạo Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đã phản đối đề xuất phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) và nhắc lại câu chuyện quá khứ khi việc cấp phiếu KSLX cũng đã từng được thực hiện từ năm 1990 trở về trước. Lúc đó, các lái xe ngoài việc phải có bằng lái còn phải có thêm phiếu KSLX (thời hạn ba năm) do công an cấp.

Tuy nhiên, đến ngày 22/11/1990 Tổng cục Cảnh sát nhân dân đã có văn bản đề nghị bỏ phiếu KSLX và đổi tên bằng lái xe thành giấy phép lái xe. Lý do của đề xuất này là “để phù hợp với tình hình mới, không gây phiền hà cho nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ theo đề nghị của các địa phương”. Phiếu KSLX đã được bãi bỏ từ ngày 01/1/1991.

Đến năm 2000, ngành Công an lại đề xuất với Bộ GTVT về việc nghiên cứu ban hành phiếu KSLX. Nhưng sau đó phiếu kiểm soát lái xe đã không được ban hành trở lại. Tuy nhiên, hình thức ghi lỗi được áp dụng bằng việc bấm lỗ giấy phép lái xe. Việc làm này được thực hiện từ năm 2003 đến năm 2007 nhưng một lần nữa lại không được người dân đồng tình. Cuối cùng, đến ngày 14/9/2007, hình thức bấm lỗ giấy phép lái xe này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 146/NĐ-CP.

Đã ở thời công nghệ, nên tư duy cho phù hợp

Tuy đồng tình với ý tưởng quản lý lái xe vi phạm, nhưng quan điểm của Bộ Giao thông – Vận tải lại ngả theo hướng cần tìm ra cách thức hợp lý nhất để kiểm soát. Trong những lần trả lời báo giới trước đây, bà Trịnh Minh Hiền – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bô GTVT đã từng khẳng định: “Biện pháp chúng tôi muốn hướng tới là sử dụng mạng để cập nhật vi phạm của người lái xe và có thể tra cứu để biết ngay từng tài xế đã vi phạm lỗi gì, ngày nào".

Tại hội nghị Tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 diễn ra ngày 28/11 tại HN, vấn đề này đã một lần nữa được xới xáo với nhiều quan điểm khác nhau. Và, trong cuộc trao đổi sáng qua với Pháp luật Việt Nam, bà Trịnh Minh Hiền đã cho biết, Vụ Pháp chế và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vừa thống nhất báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về quan điểm không đồng ý với đề xuất ban hành phiếu KSLX của Bộ Công an.

Cụ thể, theo bà Hiền, việc ban hành phiếu KSLX sẽ rất ít ý nghĩa, bởi sự kiểm soát chỉ thực sự hiệu quả khi có hỗ trợ của mạng thông tin. “Có hai tình huống xảy ra, nếu anh chỉ quản lý đơn thuần qua tấm phiếu, anh sẽ bị thụ động và chỉ nắm bắt được thông tin ngay tại thời điểm đó, đó là chưa kể đến tình trạng làm giả phiếu để qua mắt cơ quan chức năng,  còn nếu đã có mạng thông tin để quản lý tình trạng vi phạm của lái xe thì phiếu là thừa, vì chỉ cần căn cứ vào một hai con số, dữ liệu là có thể tra ra hết thông tin liên quan” – bà Hiền phân tích.

Được biết, cách đây không lâu ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận để Bộ GTVT điều hòa 14 tỉ đồng từ việc cắt giảm, dừng khởi công mới các dự án của Bộ để triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới sau nhiều lần bị đình hoãn.

Thế nên, hệ thống phần mềm quản lý giấy phép lái xe trên mạng Internet đã và đang được xây dựng và chuẩn bị nghiệm thu. Ngoài ra, dự kiến đầu năm 2012, giấy phép lái xe thông minh sẽ được đưa vào sử dụng.

Minh Phương

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,684

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079