Có nên cho người nước ngoài gia nhập công đoàn?

09/01/2012 16:40 PM

- Nên hay không cho phép lao động người nước ngoài được gia nhập các tổ chức công đoàn như tất cả những công dân Việt Nam khác vẫn tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh cãi khi các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Luật Công đoàn (sửa đổi) sáng nay (9/1).

Dự thảo Luật công đoàn đã được trình lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tuy nhiên, do còn nhiều nội dung chưa nhận được sự đồng thuận cao nên dự án luật tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này.

Quyền của lao động nước ngoài

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự thảo luật để ngỏ khả năng cho phép lao động người nước ngoài được gia nhập tổ chức công đoàn.

ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong văn bản giải trình, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng khẳng định, đây là vấn đề mới. Đất nước đang mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, hàng chục ngàn người là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp của Việt Nam.

Trong thực tế quan hệ lao động giữa người lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động cũng bắt đầu có những phát sinh mâu thuẫn, nhưng chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ họ. Vì vậy, vấn đề kết nạp người lao động là người nước ngoài vào tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng cần được xem xét.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, lao động nước ngoài cũng phải được đảm bảo quyền lợi và ràng buộc trách nhiệm như lao động trong nước, do vậy nên cho phép họ được tham gia các tổ chức công đoàn tại nơi làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Phương (Đồng Nai) phân tích, giữa lao động trong và ngoài nước lâu nay vốn cũng đã phát sinh nhiều vấn đề cần tới sự giải quyết của tổ chức công đoàn. Chưa kể, lực lượng lao động này đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Những ý kiến tán thành khác cũng đều dựa trên lý lẽ, lao động trong và ngoài nước đều phải được đối xử bình đẳng và được pháp luật bảo hộ, nên không có lý do gì để đội ngũ này đứng ngoài tổ chức công đoàn. Tất nhiên, điều kiện cụ thể phải được nêu rõ trong luật.

Không tán thành với các ý kiến trên, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, số lượng lao động là người nước ngoài ngày càng đông, các cơ quan nhà nước cũng chưa quản lý chặt. Do vậy, không nên cho phép đối tượng này gia nhập tổ chức công đoàn.

Còn theo ông Chu Sơn Hà (Hà Nội), theo quy định của Hiến pháp, chỉ công dân Việt Nam mới được nhận sự bảo hộ của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, mọi nghĩa vụ và quyền lợi của lao động nước ngoài cũng đã được nêu trong các điều ước quốc tế chung. Do đó, việc họ tham gia hay không tham gia tổ chức công đoàn không có ý nghĩa quan trọng.

Lương không đảm bảo sẽ vẫn còn đình công

Liên quan đến vai trò của tổ chức công đoàn trong giải quyết các vụ đình công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho hay, cả hai dự án luật (Luật công đoàn và Luật lao động) đều quy định về vấn đề này. Chưa có nước nào đưa ra quy trình giải quyết chặt chẽ như ở Việt Nam, do vậy vấn đề không nằm ở các kẽ hở pháp luật mà nằm ở chuyện lợi ích.

"Chừng nào lương vẫn không bảo đảm, khi đó còn xảy ra đình công", ông Lợi nói. Chính vì tổ chức công đoàn chưa thực hiện đúng vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên hầu như chưa có cuộc đình công nào diễn ra đúng quy định.

Còn theo ĐBQH Đỗ Văn Đương, việc công đoàn luôn đứng ngoài các cuộc đình công là một sự lãng phí. Điều này cho thấy, công đoàn chưa thực sự là cầu nối về quyền lợi giữa người lao động, chính quyền và doanh nghiệp. Nhất là trong điều kiện như hiện nay, lương bổng còn thấp, điều kiện sống chưa được đảm bảo.

Ông Đương đề xuất, luật sửa đổi lần này phải dành hẳn một chương riêng về vấn đề tổ chức đình công. "Nếu không quy định chặt chẽ thì công đoàn vẫn chỉ là hình thức, vẫn không bảo vệ được người lao động",ông Đương nói.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ năm 1995 đến nay cả nước đã xảy ra hơn 4.000 cuộc tranh chấp lao động tập thể - đình công và tất cả các cuộc tranh chấp lao động tập thể - đình công đều tự phát và không đúng trình tự quy định của pháp luật.

Dự thảo luật Công đoàn sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, lấy thêm ý kiến trước khi tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba, tháng 5/2012.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách của Quốc hội khóa 12 được tổ chức lần đầu tiên vào hôm nay. Ngoài dự án Luật công đoàn, hội nghị sẽ thảo luận về dự án Luật Giáo dục Đại học.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với các địa phương.


Lê Nhung

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,549

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079