Cần siết chặt quản lý ATLĐ và phòng, chống cháy nổ

08/08/2011 16:04 PM

13 người chết, 25 người bị trọng thương là thiệt hại lớn chưa từng có ở Hải Phòng từ trước tới nay đối với một vụ cháy. Những mất mát to lớn ấy có thể sẽ không bao giờ xảy ra nếu những quy định về ATLĐ và phòng, chống cháy nổ được thực hiện nghiêm túc. Vụ cháy là bài học đau xót khi các cấp chính quyền địa phương quá coi nhẹ công tác quản lý, còn doanh nghiệp không hề quan tâm tới các điều kiện ATLĐ.

Lợi nhuận đặt lên trên hết(!)

Ngay sau vụ cháy, các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã nhanh chóng điều tra, xác định nguyên nhân. Theo kết luận, ngọn lửa phát sinh từ việc xưởng may mũi giày (sau đây gọi tắt là xưởng may) tiến hành hàn cột thu lôi, những giọt lửa hàn bắn vào trần nhà được lót bằng mút xốp cùng một lớp vải da. Cùng với đó, còn rất nhiều nguyên liệu dùng làm mũi giày, keo dán của xưởng để ở sàn nhà. 

Có thể thấy ngay đây là những vi phạm nghiêm trọng các quy định về VSATLĐ và phòng, chống cháy nổ. Việc xưởng may tiến hành sửa chữa, hàn cột thu lôi trong khi hàng chục công nhân đang làm việc ở trong xưởng là một hành động bị cấm. Quá trình khám nghiệm hiện trường còn cho thấy có rất nhiều vi phạm khác của xưởng may trên.

Theo quy định, những cơ sở sản xuất, kinh doanh và nơi tập trung đông người đều phải có từ 2 lối thoát hiểm trở lên. Những lối thoát hiểm này được bố trí hợp lý theo chiều thoát của nạn nhân khi xảy ra hỏa hoạn và các sự cố nguy hiểm khác.

Tại hiện trường, nhà xưởng với chiều ngang gần 5m, chiều dài khoảng 30m được chia làm 7 khoang song chỉ có duy nhất 1 cửa chính. Chính vì vậy, lửa bùng lên từ cửa chính đã “bịt kín” lối thoát duy nhất của hơn 40 công nhân trong xưởng như một bức tường. Không những thế, trong xưởng lại có cả bếp nấu cơm, chứng tỏ sự coi thường công tác PCCC đến thế nào của cơ sở trên. Khi xảy ra cháy, nhiều người dân chung quanh cố gắng dập tắt ngọn lửa bằng cách dội nước. Tuy nhiên, nước vào dường như  càng làm cho đám cháy bùng to hơn.

Hiện trường thảm khốc của vụ cháy.

Giải thích điều này, một cán bộ chữa cháy cho biết: Hiện trường vụ cháy có nhiều can đựng dung môi (chưa xác định) nhưng nhiều khả năng dung môi đó có chứa một lượng xăng nhất định. Khi dội nước vào, dung môi hòa tan trong nước, chảy ngược vào phía trong khiến tình trạng cháy thêm nặng.

Người lao động chưa được trang bị kiến thức ứng phó với cháy nổ

Bên cạnh sự coi thường về ATLĐ, phòng chống cháy nổ của chủ doanh nghiệp còn có cả một nguyên nhân từ việc người lao động không được trang bị kiến thức về lĩnh vực này nên đã không bảo vệ được mình. Hầu hết, số công nhân làm việc tại xưởng may là lao động nông thôn, học sinh, sinh viên nghỉ hè tranh thủ thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình…

Theo chị Bùi Thị Thúy, thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, một trong 6 người may mắn thoát khỏi đám cháy và một số nhân chứng: Khi lửa bắt đầu bén vào vật liệu để dưới sàn, chị Thúy và chị Hiền (chủ cơ sở sản xuất) đã kêu mọi người rời ngay khỏi xưởng, nhưng phần lớn không chịu ra mà lại lo dập lửa, thậm chí có người vẫn tiếp tục làm việc.

Sự thiếu kinh nghiệm này có nguyên nhân từ việc trước đây, ở xưởng may đã xảy ra cháy do công nhân hơ dây quai giày nhưng được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản… Rồi nữa, khi lửa đột ngột bùng lên và đám cháy lan rộng mọi người lại sợ hãi dồn hết về phía cuối xưởng – nơi không còn đường thoát.

Thượng tá Nguyễn Văn Họa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an Hải Phòng) cho biết: “Khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi phát hiện nhiều xác người chết ở khu vực nhà vệ sinh của xưởng. Vụ cháy sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy nếu người lao động bình tĩnh xử lý. Trong xưởng lúc cháy dù không có dụng cụ chữa cháy chuyên dụng nhưng có nhiều vật dụng có thể dập lửa như những tấm vải bạt khổ lớn có thể dập tắt được đám cháy ngay từ ban đầu. Đặc biệt, khi lửa bùng phát, công nhân cần quan sát và phán đoán hướng phát triển của đám cháy. Khi mọi đường thoát đều bị bịt kín, họ cần tìm cách thoát ra khỏi “bức tường lửa” bằng cách dùng bạt che chắn, cúi thấp người để chạy qua đám cháy ra ngoài”. Tuy nhiên, những kiến thức có thể nói là sơ đẳng đó giờ đã quá muộn bởi công nhân chưa hề được tập huấn.

Địa phương có làm ngơ?

Sau vụ cháy kinh hoàng trên, một câu hỏi mà nhiều người đặt ra với các cấp, ngành liên quan và chính quyền sở tại: Tại sao một cơ sở sản xuất không đủ điều kiện về ATVSLĐ và các phương tiện phòng, chống cháy nổ lại “hiên ngang” hoạt động cho tới khi xảy ra thảm họa kinh hoàng. Điều đáng nói hơn, cơ sở này chỉ cách UBND xã gần 200m, UBND xã Tân Dân và các ngành liên quan của huyện An Lão không biết hay làm ngơ cho cơ sở trên hoạt động?

Lý giải điều này, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão - ông Bùi Văn Lạc cho rằng: “Cơ sở sản xuất tư nhân này khi thành lập không đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP  Hải Phòng nên cơ quan quản lý nhà nước địa phương không nắm được. Mặt khác, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động chưa được một tháng nên cơ quan chức năng chưa kịp tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ”…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, ông Phạm Duy Đảm, đây không chỉ là bài học xương máu của riêng huyện An Lão. Ngày 1-8, UBND huyện họp các phòng, ban, chủ tịch UBND các xã yêu cầu rà soát và đóng cửa ngay các cơ sở sản xuất tư nhân không đủ điều kiện VSATLĐ và phòng, chống cháy nổ; xử phạt nghiêm những cơ cở vi phạm. Quả đúng như người xưa đã từng nói… Tuy nhiên, động thái trên dù muộn vẫn còn hơn không.

Chúng tôi cũng được biết, 2 ngày sau vụ cháy (31/7) Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: “Vụ hỏa hoạn tại xã Tân Dân là bài học đắt giá, cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; rà soát và dừng hoạt động các xưởng, lán trại không bảo đảm các điều kiện an toàn, để không xảy ra vụ việc tương tự”. Chỉ đạo trên của lãnh đạo TP Hải Phòng chắc chắn sẽ được các cấp, ngành của địa phương tập trung làm mạnh trong thời gian tới. Thế nhưng, việc duy trì hoạt động đó thế nào lại là một vấn đề. Trách nhiệm này là của chính các cơ quan quản lý chức năng.

Hải Phòng trong những năm gần đây là địa phương phát triển mạnh ngành công nghiệp da giày với hàng chục nhà máy, xưởng sản xuất, gia công cùng vô vàn các cơ sở sản xuất tư nhân. Song những cơ sở, đơn vị kiểu như xưởng may ở xã Tân Dân, huyện An Lão chắc chắn là không hiếm. Nếu không có sự ra tay quyết liệt và đồng bộ, tai nạn cháy nổ cùng những hiểm họa khác không chỉ dừng lại ở đây. Vụ cháy đau lòng tại xã Tân Dân còn mãi là bài học xương máu đối với công tác quản lý ATLĐ và phòng, chống cháy, nổ không chỉ riêng ở huyện An Lão, Hải Phòng

Việt Hòa - Văn Thịnh

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,815

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079