Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/6

27/06/2020 11:02 AM

Tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; quy định mới về tổng chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết; tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II; phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/6/2020.

Ảnh minh họa

Tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 (Kỳ thi).

Chỉ thị nêu rõ, để Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020 được triển khai nghiêm túc, trung thực, công bằng, an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về Kỳ thi và ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh; chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và công tác tuyển sinh; giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình; phân tích dữ liệu quốc gia về kết quả thi và kết quả học tập của học sinh toàn quốc; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan; ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực

Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Nghị quyết nêu rõ các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ đối với lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập và tiền lương.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với UBND cấp tỉnh đối với 10 ngành, lĩnh vực sau: 1- Ngành, lĩnh vực nội vụ gồm: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, vị trí việc làm; 2- Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm: Biển và hải đảo; 3- Ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm: Phát thanh và truyền hình; 4- Ngành, lĩnh vực văn hóa gồm: Điện ảnh; 5- Ngành, lĩnh vực y tế gồm: Khám bệnh, chữa bệnh; 6- Ngành, lĩnh vực xây dựng gồm: Hoạt động đầu tư xây dựng; kiến trúc; quy hoạch; phát triển đô thị; 7- Ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ; 8- Ngành, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động; 9- Ngành, lĩnh vực tài chính gồm: Thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công; phí và lệ phí; tài sản công; 10- Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm: Quản lý đầu tư; đầu tư công; đầu tư nước ngoài.

Quy định mới về tổng chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết

Chính phủ ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, Nghị định quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế).

Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II

Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau: - Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND; - Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (Chương trình). Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Mục tiêu nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT đường bộ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục siết chặt kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm có lưu lượng phương tiện vận tải lớn như Quốc lộ 14, Quốc lộ 18, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 51.

Minh Hiển

Theo Cng thông tin đin t Chính ph

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,313

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079