Đề xuất quy định về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

26/06/2020 08:08 AM

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa

Quy định này được đề xuất áp dụng đối với Hội giảng các cấp; trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (cơ sở giáo dục nghề nghiệp); nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Theo dự thảo, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (Hội giảng) nhằm mục đích phát hiện, công nhận, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp dạy giỏi; nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút các thành phần xã hội tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp của mỗi địa phương và của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, tạo động lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nghề nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn; đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy; đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; là cơ sở để các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Thông báo kế hoạch tổ chức Hội giảng trước ít nhất 1 tháng

Dự thảo nêu rõ, Ban tổ chức Hội giảng phải thông báo kế hoạch tổ chức, quy định chi tiết của Hội giảng cho các nhà giáo và đơn vị tham gia Hội giảng trước ngày tổ chức Hội giảng ít nhất 1 tháng đối với Hội giảng cấp cơ sở, 2 tháng đối với Hội giảng cấp tỉnh, 3 tháng đối với Hội giảng toàn quốc.

Theo dự thảo, nhà giáo tham gia Hội giảng thực hiện trình giảng một bài (lý thuyết hoặc thực hành hoặc tích hợp). Nội dung bài giảng do nhà giáo tự chọn nằm trong chương trình môn học, mô đun mà nhà giáo được phân công giảng dạy. Thời gian trình giảng bài lý thuyết là 45 phút; bài giảng thực hành (phần hướng dẫn ban đầu) là 60 phút; bài giảng tích hợp là 60 phút.

Đối với Hội giảng cấp cơ sở, cấp tỉnh tổ chức trình giảng cả 3 loại bài giảng: lý thuyết, thực hành và tích hợp; đối với Hội giảng toàn quốc có thể lựa chọn một trong các hình thức tổ chức trình giảng là bài giảng lý thuyết hoặc thực hành hoặc tích hợp hoặc kết hợp các loại bài giảng cho phù hợp với từng kỳ Hội giảng.

Đối với Hội giảng cấp cơ sở, nhà giáo thực hiện bài trình giảng với người học thực. Đối với Hội giảng cấp tỉnh và Hội giảng toàn quốc, nhà giáo thực hiện bài trình giảng với người học thực hoặc giả định (đóng vai người học).

Về xếp giải tại Hội giảng, theo dự thảo, đối với cá nhân, điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo là căn cứ để xếp giải cá nhân; việc xếp giải cá nhân thực hiện theo Quy định chi tiết của Ban tổ chức Hội giảng.

Đối với tập thể, điểm trung bình cộng của các nhà giáo của đơn vị tham gia Hội giảng là căn cứ để xếp giải tập thể; việc xếp giải tập thể được thực hiện theo Quy định chi tiết của Ban tổ chức Hội giảng.

Tuệ Văn

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,962

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079