Hình thức đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương từ 05/2/2021 (Ảnh minh hoạ)
Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập (sau đây gọi tắt là Quỹ đầu tư phát triển địa phương).
Theo đó, các hình thức đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định mới bao gồm:
(1) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
(2) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế,
(3) Dầu tư theo hình thức hợp đồng (hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công ty - PPP và hợp đồng hợp tác kinh doanh - BCC) hoặc thực hiện dự án đầu tư.
(4) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Hiện hành, hình thức đầu tư được quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Hình thức đầu tư
1. Tuỳ từng điều kiện cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển địa phương lựa chọn các hình thức đầu tư sau đây:
a) Đầu tư theo các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật đầu tư.
b) Tìm kiếm dự án, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư sau đó thực hiện đầu tư, hoặc chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác thực hiện đầu tư.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được đầu tư trong các trường hợp sau:
- Góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
- Góp vốn cùng công ty con để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng.
Nghị định 147/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/2/2021 và thay thế Nghị định 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 và Nghị định 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013.
Thùy Liên