Đừng lo bỏ phiếu làm cán bộ 'chết oan'

17/09/2012 15:40 PM

Dù đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chỉ có khái niệm “lấy phiếu” nhưng trong nội dung đề án lại đặt ra hai câu chuyện “lấy phiếu” và “bỏ phiếu”.

Chỉ khác nhau hai chữ “lấy” và “bỏ” nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ QH về mục đích của từng việc.

Theo bản thuyết minh của ban soạn thảo, định kỳ hằng năm sẽ lấy phiếu với các chức danh; hoặc 2 năm một lần mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán (50%), sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Ông Lê Văn Cuông -đại biểu QH khóa 11, 12: Đừng sợ đại biểu QH thiếu thông tin nên bỏ phiếu thiếu chính xác

Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ để tham khảo còn bỏ phiếu tín nhiệm là để đưa ra quyết định có nên giữ lại cán bộ ở vị trí đó hay không. Chính vì vậy, quy trình thăm dò có thể làm đơn giản, làm hàng năm, song quy trình bỏ phiếu thì phải làm chặt chẽ và “hậu quả” cũng nặng nề hơn.

Cách giải thích như trên của người đứng đầu ban soạn thảo đề án vẫn tiếp tục gây băn khoăn trong Thường vụ QH. Đặc biệt là sự tương thích của hai cách làm trên với những quy định hiện hành của Hiến pháp và pháp luật.

Có người cho rằng, nếu kết quả lấy phiếu thăm dò chỉ “có giá trị tham khảo” chứ không phải là một ràng buộc pháp lý thì sẽ rất nhiều người trả lời qua quýt, thậm chí, không bắt buộc phải trả lời. Nói như Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, cũng như rất nhiều lần QH gặp vấn đề cần xin ý kiến, chưa lần nào 100% đại biểu tham gia trả lời, mà thường chỉ đạt khoảng trên 50%.

Và như vậy, QH dày công xây dựng một quy trình, thủ tục chỉ để mô tả một công việc có tính chất “bước đệm” mà những người trong cuộc cũng đang phần nào cảm thấy “có phần hình thức”. Kết quả của những cuộc “lấy phiếu” tuy không có hậu quả pháp lý ngay lập tức nhưng lại là cơ sở để thúc đẩy bước tiếp theo: bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. Cách làm như vậy liệu có thuyết phục? Ngay cả người bị kiến nghị bỏ phiếu cũng sẽ khó tâm phục, khẩu phục.

Quy định về bỏ phiếu lâu nay vẫn được ví như “thượng phương bảo kiếm”, luật pháp trao cho QH nhưng QH vẫn chưa làm được. Từ những cuộc họp khởi thảo của ban soạn thảo bản đề án nói trên, cử tri vẫn trông đợi những đột phá, đổi mới trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh của Chính phủ do QH phê chuẩn.

Vì vậy mà trả lời trên báo Tuổi Trẻ hôm qua, rất nhiều cựu ĐBQH đã khẳng định rằng, khi đã đưa một cá nhân hay một danh sách nào đó ra phiên họp toàn thể của QH và tiến hành thủ tục bỏ phiếu kín thì kết quả đó phải có giá trị pháp lý chứ không nên chỉ để tham khảo.

Nói như đại biểu kỳ cựu Lê Văn Cuông, đã đưa ra QH bỏ phiếu kín thì chỉ bỏ một lần thôi, đừng phân biệt lấy phiếu với bỏ phiếu nữa. Bởi lo lắng rằng có thể có cán bộ “chết oan” trong quá trình bỏ phiếu là không có cơ sở.

"Đừng sợ ĐBQH thiếu thông tin nên kết quả bỏ phiếu có thể thiếu chính xác. Đại biểu là những người có trình độ nhất định để nhận thức đúng sai, có uy tín trong nhân dân và có đủ trách nhiệm để hiểu rõ sức nặng của mỗi lá phiếu. Hơn nữa, bản thân các đối tượng phải bỏ phiếu tín nhiệm là lãnh đạo cấp cao, là chính khách thì phải đủ tài năng và đức độ để làm đại biểu hiểu rõ về mình, phải thuyết phục được những người bỏ phiếu bầu ra mình và đang giám sát mình", ông Cuông nhận định.
 

Ngọc Lê


Chia sẻ bài viết lên facebook 2,296

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079