Sớm áp dụng quy định “đặt cọc” để tại ngoại

07/09/2012 08:12 AM

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật đối với quy định cho phép các bị can, bị cáo đang bị tạm giam được đặt tiền hoặc tài sản để tại ngoại tại dự thảo thông tư liên tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi.

Theo Bộ Tư pháp, biện pháp đặt tiền để tại ngoại đã được quy định cách đây 20 năm tại bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 1988 và đã được hoàn thiện hơn tại bộ luật TTHS năm 2003, nhưng vẫn chưa áp dụng trên thực tế do thiếu các quy định cụ thể. Theo xu thế thế giới cũng như thực tiễn ở VN thì việc áp dụng biện pháp này là rất cần thiết.

Mức nộp từ 10 đến 300 triệu đồng

Theo dự thảo, các bị can, bị cáo đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm tùy theo mức độ hành vi có thể nộp tiền hoặc tài sản có giá trị để được tại ngoại theo nhiều mức khác nhau.

Cụ thể: 10 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 100 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 Cho bị can, bị cáo đặt tiền tại ngoại là biện pháp tốt, cần thiết và nên sớm triển khai - Ảnh: D.Đ.M
Cho bị can, bị cáo đặt tiền tại ngoại là biện pháp tốt, cần thiết và nên sớm triển khai - Ảnh: D.Đ.M

Các cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định mức tiền, trị giá tài sản thấp hơn nhưng không dưới 1/2 của các mức tương ứng nói trên đối với bị can, bị cáo thuộc một trong các trường hợp như: bị can, bị cáo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; gia đình của bị can, bị cáo thuộc hộ nghèo; thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mắc bệnh hiểm nghèo mà có nơi cư trú rõ ràng, người trên 70 tuổi hoặc người trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau, bệnh tật; người chưa thành niên; người lao động chính trong gia đình.

Cũng theo dự thảo, biện pháp đặt tiền, tài sản để tại ngoại chỉ được áp dụng khi có các điều kiện nhân thân tốt; có khả năng về tài chính để đặt tiền, tài sản bảo đảm và bị can, bị cáo không bỏ trốn, tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử cũng như gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

 

Bị can, bị cáo có thể đặt tiền, tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc tiền, tài sản thuộc sở hữu chung của bị can, bị cáo và những người khác trong trường hợp có sự đồng ý của các đồng chủ sở hữu khác hoặc tiền, tài sản thuộc sở hữu của người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo.

Kho bạc Nhà nước là nơi quản lý các loại tiền, tài sản của bị can, bị cáo trong diện được đặt tiền để tại ngoại.

Tôi cho rằng đây là biện pháp tốt, cần thiết và nên sớm triển khai. Việc này tôi cũng thấy băn khoăn là luật thì đã có từ rất lâu rồi nhưng chúng ta vẫn chưa đưa vào cuộc sống, phải chăng là sợ trách nhiệm, sợ phức tạp quá nên lâu nay không làm - Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao

Đặt tiền trước hay sau khi bị bắt ?

Theo Bộ Tư pháp, dự thảo thông tư liên tịch đến nay đã qua 3 lần lấy ý kiến, chỉnh lý. Về cơ bản, nội dung đã được các bộ, ngành thống nhất cao. Tuy nhiên, còn ý kiến băn khoăn vì việc đặt tiền là “biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam” nên cần được hiểu là có thể được áp dụng đối với cả bị can, bị cáo đang bị tạm giam lẫn bị can, bị cáo có khả năng bị tạm giam.

Theo ý kiến của Bộ Tư pháp, việc “đặt cọc” đòi hỏi phải trải qua những thủ tục như thông báo cho bị can, bị cáo về quyền đề nghị đặt tiền, tài sản bảo đảm; việc ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm phải dựa vào kết quả xác minh các điều kiện về nhân thân, tài chính của bị can, bị cáo; tiến hành định giá tài sản... Chính vì vậy, trước hết cần phải bắt tạm giam bị can, bị cáo để ngăn chặn khả năng bị can, bị cáo bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử... sau đó mới tiến hành cân nhắc, áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm đối với bị can, bị cáo đủ điều kiện.

Việc thông báo trước cho bị can, bị cáo đang tại ngoại về việc họ có thể đặt tiền, tài sản bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam dẫn đến nguy cơ bị can, bị cáo sẽ bỏ trốn và như vậy sẽ không đảm bảo hiệu quả của biện pháp ngăn chặn, đồng thời có thể làm phát sinh tiêu cực trong quá trình áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Bộ Tư pháp đang tiếp tục lấy ý kiến lãnh đạo các bộ ngành liên quan.

Tiền đặt cọc phải bằng mức bồi thường

Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao nói, biện pháp “đặt cọc” đã được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện, biện pháp này sẽ giúp bớt tình trạng quá tải ở các trại giam và tạo điều kiện khắc phục hậu quả. “Biện pháp đặt cọc thì chúng ta đã từng làm chứ không phải chưa và chỉ đối với một số rất ít trường hợp, từng có nghi phạm người nước ngoài được áp dụng. Tôi cho rằng đây là biện pháp tốt, cần thiết và nên sớm triển khai. Việc này tôi cũng thấy băn khoăn là luật thì đã có từ rất lâu rồi nhưng chúng ta vẫn chưa đưa vào cuộc sống, phải chăng là sợ trách nhiệm, sợ phức tạp quá nên lâu nay không làm”, ông Quế nói.

Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an cho rằng, việc đặt cọc là rất cần thiết. “Theo tôi, nên khoanh lại ở một số đối tượng chứ không nên áp dụng tràn lan phức tạp, khó quản lý. Chúng ta nên áp dụng với các tội phạm về kinh tế, tội phạm về an ninh trật tự nhưng hậu quả ít nghiêm trọng. Mức tiền đặt cọc phải tương đương với mức áp dụng các hình phạt hoặc bồi thường các thiệt hại gây ra”, ông Đạt nói.

Tướng Đạt cũng lưu ý, các quy định cần phải làm rõ thêm về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, cũng như các biện pháp cụ thể đối với các trường hợp tội phạm bỏ trốn, cản trở việc điều tra.

Cũng đồng tình với ý kiến này,  luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM  còn cho rằng, thông tư liên tịch cần phải quy định rõ trách nhiệm các cơ quan tố tụng trong việc thẩm tra về thân nhân tội phạm, khả năng tài chính vì những khâu này có thể phát sinh tiêu cực “chạy” để được tại ngoại.

Những trường hợp không được nộp tiền tại ngoại

Theo dự thảo thông tư, không phải ai cũng được áp dụng quy định trên mà còn tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi do các cơ quan tố tụng cân nhắc, quyết định. Đối với các trường hợp xâm phạm an ninh quốc gia; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về ma túy; phạm tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản... sẽ không được áp dụng biện pháp nộp tiền để tại ngoại.

Thái Sơn

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,209

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079