Thuyền viên Vinashinlines kêu cứu

10/10/2012 09:09 AM

TT - Một số tàu của Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines, hiện thuộc Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines) đang bị bỏ rơi, khiến các thuyền viên khốn đốn.

Tàu Vinashin Atlantic trên biển Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo phản ảnh của các thuyền viên tàu Diamond Way, Vinashin Atlantic và tàu Sông Gianh, tàu của họ bị bỏ mặc suốt nhiều tháng qua, không được cung cấp nhiên liệu, lương thực, tiền lương cũng bị thiếu. Hiện các thuyền viên này đang rơi vào tình trạng rất nguy cấp nhưng vẫn không được công ty hỗ trợ dù đã nhiều lần kêu cứu.

Tiếng kêu từ Trung Đông

Tập thể thuyền viên tàu Diamond Way vừa có thư gửi báo Tuổi Trẻ kêu cứu về tình trạng của 19 thuyền viên VN trên tàu. Ngày 9-10, nói chuyện với Tuổi Trẻ qua điện thoại, thuyền trưởng Thân Anh Đức cho biết tàu nằm tại cảng Jebel Ali (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) từ hơn hai tháng nay.

Đại phó Nhữ Văn Duy cho biết tàu Vinashin Atlantic đã nằm bờ từ tháng 5-2009, lại không được duy trì, bảo dưỡng nên đang xuống cấp nhanh. Các thiết bị như tời neo, các thiết bị trên buồng lái, máy chính, máy đèn không thể khẳng định có hoạt động được hay không vì không có nhiên liệu để vận hành thử. “Không có dầu, tàu hoàn toàn mất chủ động. Ngay cả bộ đàm để liên lạc ra ngoài cũng không hoạt động được. Sự an toàn của tàu chỉ còn nhờ vào ông trời mà thôi” - anh Trần Đức Thọ, thủy thủ, cho biết.

Hiện tại tàu chỉ còn một neo nhưng theo quan sát của chúng tôi, chiếc neo này cũng đã hoen gỉ nhiều nên trong trường hợp trôi neo hoặc đứt neo, khó có biện pháp khắc phục. Điều cảnh báo này đã xảy ra với tàu Vinashin Atlantic khi tháng 1-2012, tàu bị đứt neo, trôi tự do và mắc cạn tại Vũng Tàu. Cách vị trí tàu Vinashin Atlantic khoảng một cây số, có giàn khoan dầu khí đang đóng chân để bảo dưỡng. Nếu tàu đứt neo trôi va vào giàn khoan sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài việc nhiều tháng công ty không trả lương thì tàu hiện nay hết lương thực, nước ngọt, dầu để nấu ăn, thắp sáng. “Đời sống của 19 thuyền viên trên tàu rất khó khăn khổ cực. Tuy sức khỏe anh em vẫn chưa rơi vào tình trạng tồi tệ nhưng thuyền viên phải nấu ăn bằng củi, vét gạo từ hầm tàu và câu cá ngay tại cảng dù cảng cấm câu” - ông Đức cho hay. Thuyền viên chủ yếu là người Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An... Thân nhân một số thuyền viên tại VN đã tìm cách liên hệ với Vinashinlines để hỗ trợ người nhà của mình nhưng vô vọng, công ty không hề có phản hồi.

Thuyền trưởng tàu Diamond Way cho hay đã ba lần gửi điện về công ty thông báo về tình trạng hết thực phẩm nhưng từ bức điện cầu cứu thứ nhất gửi ngày 1-9 đến nay, tàu không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Được hỏi các thuyền viên có kế hoạch gì nếu phía công ty tiếp tục không có động thái gì hỗ trợ, ông Đức nói thuyền viên sẽ buộc phải bỏ tàu xin tị nạn tại Đại sứ quán VN ở UAE vì không còn cách nào khác, toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu của thuyền viên đang do Công ty đại lý cảng National Shipping Service (NSS) giữ. Bản thân công ty đại lý này, theo ông Đức, cũng không muốn gây khó khăn cho thuyền viên nhưng do Công ty Vinashinlines nợ tiền nên họ buộc phải giữ tàu.

Thuyền trưởng Đức cho biết tàu Diamond Way rời VN hơn một năm (từ tháng 7-2011) và từ đó đến nay, ngoài lần bị mắc kẹt này, hồi tháng 7-2012 tàu cũng bị một nhà cung cấp dầu bắt giữ tại cảng Ấn Độ do công ty nợ tiền dầu của họ.

Cùng ngày 9-10, Bộ Ngoại giao cho Tuổi Trẻ hay Đại sứ quán VN tại UAE đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại về vụ việc trên. Đại sứ quán đã đề nghị NSS tiếp tục cung cấp lương thực, nước uống cho các thuyền viên trên tàu. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng trong nước yêu cầu đơn vị chủ tàu hỗ trợ thuyền viên các chi phí sinh hoạt cần thiết, đồng thời khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm đưa tàu về nước.

Bị bỏ rơi trên biển

Hơn hai năm qua, con tàu 150.000 tấn Vinashin Atlantic của Vinashinlines vẫn nằm yên trên biển Vũng Tàu. Hai tháng qua, tám thủy thủ của tàu này phải sống trong điều kiện thiếu điện, nước sinh hoạt, thực phẩm. Có người đang bị nợ đến 20 tháng lương. Nguyên nhân: do Vinashinlines không cấp dầu, tiền và trả lương cho thủy thủ. Hiện tàu này đang neo ở vùng neo Vũng Tàu, cách cảng tàu cánh ngầm khoảng 10 cây số và gần như... bỏ hoang.

Trung tuần tháng 9, tiếp xúc với PV Tuổi Trẻ, anh Trần Đức Thọ (một thủy thủ của tàu) nói: “Cái gì cũng thiếu, thiếu toàn bộ, thiếu đủ thứ. Khổ nhất là thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt. Cuộc sống của chúng tôi hơn mấy tháng qua không khác gì trên hoang đảo”. Anh Thọ cho biết từ đầu tháng 8-2012 đến nay, trên tàu không còn một giọt dầu để chạy máy điện và bơm nước. Dù đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến chủ tàu nhưng đến nay những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của thủy thủ vẫn chưa được đáp ứng.

Theo quan sát, hiện tàu Vinashin Atlantic không có một thiết bị nào bằng điện hoạt động từ tủ lạnh, điện cầu thang, điện bơm nước đến buồng máy, buồng lái. Các thủy thủ phản ảnh trong hơn một tháng qua, bữa ăn hằng ngày là nhờ vào tài câu cá và khả năng thuyết phục mua chịu thực phẩm. “Mua chịu nhiều lắm rồi. Cứ lên đến cổng chợ là bị người ta đòi nợ” - cấp dưỡng Phạm Hùng Trang cho biết.

Đại phó tàu Vinashin Atlantic Nhữ Văn Duy cho biết từ ngày 8-8 đến 7-9, thủy thủ tàu Vinashin Atlantic nhiều lần gửi đơn đề nghị được cấp dầu, cấp tiền nhưng đều không nhận được hồi âm từ chủ tàu, trừ việc được cấp 300 tấn nước nhưng không có dầu chạy máy bơm thì cũng như không. Quá bức bách, sáng 7-9 đại diện lãnh đạo tàu Vinashin Atlantic đã gửi đơn cầu cứu đến Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và thông báo sẽ rời tàu nếu không được cấp dầu, tiền. Trước thực trạng khẩn cấp này, ngày 10-9 chủ tàu đã cấp 10 triệu đồng nhưng “vừa đủ để trả nợ tiền thực phẩm trước đó, còn dầu vẫn chưa có” - anh Thọ cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào trung tuần tháng 9, một lãnh đạo của Vinashinlines cho biết sẽ cố gắng khắc phục tất cả những yêu cầu của thủy thủ tàu Vinashin Atlantic. Ngày 15-9 sẽ cấp dầu cho tàu. Thế nhưng, đến nay (9-10) tàu Vinashin Atlantic vẫn chưa được cấp dầu.

Một thuyền viên Vinashin Atlantic - Ảnh: Đ.HÀ

Bảy tháng chưa được trả lương

Ngày 9-10, thuyền viên trên tàu Sông Gianh của Vinashinlines đã gọi điện đến Tuổi Trẻ cầu cứu vì suốt bảy tháng chưa được công ty trả lương. Ông T. - một thủy thủ trên tàu - cho biết: “Từ tháng 3 đến nay chúng tôi không nhận được một đồng lương nào. Không những thế, mới đây công ty còn cắt luôn tiền đò và tiền ăn khiến các anh em thuyền viên không thể vào bờ, không có đồ ăn và rất hoang mang…”. Một đại diện trên tàu này cho biết đã gọi điện lên lãnh đạo công ty và nhận được câu trả lời công ty đang trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo nên có nhiều khó khăn. Đồng thời công ty cũng hứa sẽ cấp lại tiền đò và cơm ăn cho thủy thủ nhưng tiền lương thì vẫn mịt mờ chưa biết ngày trả.

Theo tìm hiểu, một số thủy thủ trẻ trên tàu đã xin nghỉ việc vì không chịu nổi cảnh đói khổ và công ty đã thay người mới. Hiện trên tàu có năm thủy thủ và một thuyền trưởng làm nhiệm vụ trông coi tàu. Như vậy tàu Sông Gianh trị giá 400 tỉ đồng nằm “chết” ở khu vực phao MAR2 trên sông Sài Gòn (đoạn gần cầu Phú Mỹ, huyện Nhà Bè, TP.HCM) từ nhiều tháng qua…

Chưa có giải pháp cứu tàu Diamond Way

Liên quan đến hoàn cảnh các thuyền viên tàu Diamond Way, ngày 9-10 lãnh đạo Vinashinlines vẫn chưa đưa ra bất cứ phát ngôn gì. Một lãnh đạo công ty này chỉ cho biết ngắn gọn là “đang giải quyết theo kế hoạch từ trên Bộ GTVT và không có quyền phát ngôn”.

Về sự việc này, ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT - cũng chỉ cho biết Bộ GTVT đã nhận được công văn của Bộ Ngoại giao liên quan đến vụ việc. Bộ đã có văn bản chỉ đạo Vinalines, Vinashinlines xem xét xử lý các kiến nghị của thuyền viên. Ông Công cho biết thêm: bộ đang chỉ đạo Vinalines và Vinashinlines xây dựng phương án tổng thể xử lý những khó khăn hiện nay của Vinashinlines.

Vinashinlines thành lập tháng 8-2000, trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin. Tháng 7-2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Đây cũng là công ty quản lý khai thác tàu Hoa Sen mà Vinashin mua từ Ý về.

Do những khó khăn nội tại của Vinashinlines và sự suy thoái của vận tải biển, đến thời điểm này Vinashinlines gặp rất nhiều khó khăn. Theo nguồn tin từ Bộ GTVT, vừa qua Vinalines đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tạm ứng 200 tỉ đồng cho Vinashinlines từ khoản kinh phí dự kiến bổ sung vốn điều lệ cho Vinalines.

Liên quan đến hoàn cảnh các thuyền viên tàu Diamond Way, ngày 9-10 lãnh đạo Vinashinlines vẫn chưa đưa ra bất cứ phát ngôn gì. Một lãnh đạo công ty này chỉ cho biết ngắn gọn là “đang giải quyết theo kế hoạch từ trên Bộ GTVT và không có quyền phát ngôn”.

Về sự việc này, ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT - cũng chỉ cho biết Bộ GTVT đã nhận được công văn của Bộ Ngoại giao liên quan đến vụ việc. Bộ đã có văn bản chỉ đạo Vinalines, Vinashinlines xem xét xử lý các kiến nghị của thuyền viên. Ông Công cho biết thêm: bộ đang chỉ đạo Vinalines và Vinashinlines xây dựng phương án tổng thể xử lý những khó khăn hiện nay của Vinashinlines.

Vinashinlines thành lập tháng 8-2000, trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin. Tháng 7-2010, công ty này được chuyển sang cho Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Đây cũng là công ty quản lý khai thác tàu Hoa Sen mà Vinashin mua từ Ý về.

Do những khó khăn nội tại của Vinashinlines và sự suy thoái của vận tải biển, đến thời điểm này Vinashinlines gặp rất nhiều khó khăn. Theo nguồn tin từ Bộ GTVT, vừa qua Vinalines đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tạm ứng 200 tỉ đồng cho Vinashinlines từ khoản kinh phí dự kiến bổ sung vốn điều lệ cho Vinalines.

H.GIANG - T.PHÙNG - ĐÔNG HÀ - ĐÌNH DÂN

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,974

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079