Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết tại buổi họp báo công bố chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sáng 30/9.
Chỉ thị mới được đưa ra sau khi thành phố 10 triệu dân trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cập độ khác nhau. Từ đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay TP HCM đã ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm (gần 50% ca nhiễm cả nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; 14.631 người tử vong.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình tại buổi họp báo. Ảnh: Hữu Công
Theo ông Bình, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2; một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về phòng chống dịch được nâng cao.
Tuy nhiên, theo ông Bình, tình hình dịch ở thành phố vẫn phức tạp, số ca mắc mới, số ca đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.
Phó chủ tịch TP HCM cho biết tinh thần chỉ thị mới không phải cho các hoạt động được ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết. Theo đó, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể. "Chỉ thị mới nhằm đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên không có nghĩa người dân đổ ra đường cùng một lúc, không đảm bảo phòng dịch", ông Bình nói.
Theo kế hoạch, từ sau ngày 30/9 nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại như: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, tổ hợp tác, hộ gia đình, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, người hành nghề thú y.
Việc hoạt động cũng cho phép với công trình giao thông, xây dựng; cung cấp lương thực, thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.
Cơ sở cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người. Đám tang, đám cưới tổ chức tối đa 20 người cùng một thời điểm.
Các hoạt động tiếp tục phải tạm dừng gồm: sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cho phép); quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.
Sau 30/9, thành phố bỏ giấy đi đường, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi TP HCM.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP HCM nói thành phố vẫn duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh. Còn các chốt nội đô sẽ dỡ bỏ. Người dân khi đi đường sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình các giấy tờ: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm).
Công an thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất trên đường 24/24h. "Tâm lý người dân sau quy định mới muốn về các tỉnh nhưng theo tinh thần chỉ thị này không cho phép. Việc người dân đi về sẽ gây ùn ứ ở chốt, gây nguy cơ dịch bệnh. Công an sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình thông chốt", đại tá Quang nói.
Về nhiều người TP HCM đang bị kẹt ở các tỉnh làm thế nào để trở lại thành phố, Phó chủ tịch thành phố Lê Hoà Bình cho biết người dân có nhu cầu cần gửi đơn lên Sở Giao thông Vận tải để xem xét. Thành phố hiện chưa có bộ tiêu chí hay quy định cho việc đưa đón này, chỉ tổ chức đưa đón công nhân, lao động ở các tỉnh về.
Theo ông Bình, khi thành phố mở cửa lại, các doanh nghiệp sản xuất sẽ thiếu lao động rất nhiều. Bằng chứng là sáng nay, khi cho 45 công trình xây dựng thi công trở lại chỉ có 30-40% công nhân làm việc. "Cơ hội đi làm, có việc làm, có thu nhập, tự lo cho cuộc sống của mình là rất lớn. Thành phố đã có kế hoạch đón công nhân trở lại. Vì vậy, chúng tôi mong công nhân ở lại, nhận gói hỗ trợ thứ ba, tiêm vaccine và tiếp tục tham gia lao động sản xuất tại TP HCM", ông Bình nói.
Thành phố yêu cầu sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải. Tất cả cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 15/10, tất cả doanh nghiệp, đơn vị phải quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của thành phố (hoặc ứng dụng PC-Covid) để kiểm soát.
Đối với công tác phòng chống dịch thời gian tới, thành phố lưu ý các quận, huyện: phong tỏa theo điểm, cách ly để phòng, chống dịch phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất từng nhà; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như: phòng dịch, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận các loại hình y tế công - tư, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Về xét nghiệm, theo Phó chủ tịch Lê Hòa Bình, thành phố sẽ ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Thành phố triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.
Địa phương tiếp tục thực hiện chiến lược xét nghiệm để chủ động phát hiện, tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3, 4; xét nghiệm tầm soát tất cả trường hợp có triệu chứng nghi ngờ; xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học...; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự test nhanh định kỳ.
TP HCM sẽ ban hành quy trình quản lý, xử lý khi phát hiện F0 trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Tất cả quận, huyện phải có kế hoạch lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng. 100% trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người nhiễm đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy tổ phản ứng nhanh Covid trên tất cả phường, xã, thị trấn.
Địa phương sẽ phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh; nghiên cứu lập "Khoa Covid" tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa; kết hợp Đông - Tây y trong chăm sóc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, TP HCM tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đợt 3 trợ cấp cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn; ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do Covid-19; tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân cùng góp sức hỗ trợ cho người khó khăn ổn định cuộc sống.