Từ ban hành đến thực thi pháp luật

16/02/2013 12:58 PM

Nhìn lại năm 2012, bên cạnh không ít văn bản pháp luật khiến cho đại bộ phận người dân và doanh nghiệp nhiều lúc “chết đứng” thì cũng có những văn bản nhận được sự hoan nghênh.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương rà soát lại những điểm bất cập trong Nghị định này để có hướng sửa đổi phù hợp.

“Xe chính chủ” và những dịch vụ ăn theo

Tháng 11/2012, một dịch vụ lạ đời trên thế giới xuất hiện tại Việt Nam, đó là dịch vụ “tìm chủ xe chính chủ để sang tên đổi chủ”. Nở rộ nhất loại hình dịch vụ này là các điểm mua bán xe máy cũ với khá nhiều chiêu quảng cáo rầm rộ trên internet, tờ rơi... Thậm chí có nơi còn quảng cáo “tìm chủ xe cũ và sang tên đổi chủ chỉ trong 1 ngày”.

Khởi nguồn của loại hình dịch vụ “lạ đời” là từ quy định “xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện” tại Nghị định 71/2012/NĐ - CP (có hiệu lực từ 10/11/2012) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thực tế quy định này đã được quy định tại Nghị định 34 nhưng sau 2 năm tồn tại, quy định này chưa thực thi được và vẫn tiếp tục được giữ nguyên trong Nghị định 71.

Câu chuyện “xe chính chủ” chỉ thực sự bùng lên sau câu trả lời trên báo chí của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT - Công an Tp.Hà Nội: “Những người mượn xe thì cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh...”.

Ngay lập tức một làn sóng tranh luận mang tên “xe chính chủ” nổi dậy trên các diễn đàn, mạng xã hội, từ quán trà vỉa hè đến nghị trường Quốc hội...

Câu chuyện “xe chính chủ” không chỉ nóng trên báo chí trong nước mà không ít hãng truyền thông nước ngoài cũng đưa tin vì đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam tỏ ra phản ứng mạnh trước một chính sách.

Ngay lập tức Chính phủ đã phải lên tiếng giải thích, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản, do đó khi xây dựng văn bản pháp luật cần phải lấy ý kiến người dân và chuyên gia ngay từ đầu. Trong lúc chờ soạn thảo Thông tư, cảnh sát giao thông không được xử phạt xe không chính chủ!”.

Sau đó Chính phủ đã giao cho các bộ xem xét để có mức phí phù hợp và thủ tục đơn giản hơn để khuyến khích người dân sang tên khi đổi chủ xe.

Những nhầm lẫn về thuế

Năm 2012 đánh dấu những tranh cãi sôi nổi về Luật Thuế thu nhập cá nhân với kỳ vọng sẽ có những đổi thay theo hướng có lợi cho cả người nộp thuế và nguồn thu ngân sách.

Nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Mức ban đầu đối với giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà Bộ Tài chính đề xuất là 6 triệu đồng/tháng đã tạo ra làn sóng phản ứng với nhiều ý kiến bức xúc, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiếp thu những phản hồi này, trong Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, ngưỡng lạm phát để xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là 20%.

Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình về mức giãn cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi. Theo đó, mức giãn giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất là 16 lần trong khi con số này ở các nước trong khu vực là từ 22 lần đến 50 lần.

Một bài học khác cho các cán bộ thực thi thuế thu nhập cá nhân trong năm qua là thuế thu nhập cá nhân đối với trợ cấp thai sản.

Theo giải thích của Tổng cục Thuế, đây là cái sai khi rập khuôn ngôn ngữ từ văn bản quy định thuế thu nhập cá nhân với văn bản về chế độ thai sản. Sự cứng nhắc về cách vận dụng từ ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến tình trạng người nộp thuế đã bị tính thuế với khoản trợ cấp này, gây bất bình trong dư luận. Đây là điểm cần lưu ý trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sắp có hiệu lực.

Quy định làm khó giá xăng dầu

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương rà soát lại những điểm bất cập trong Nghị định này để có hướng sửa đổi phù hợp. Một trong những điểm đáng lưu ý trong Nghị định 84 là quy định tính giá xăng dầu theo giá bình quân 30 ngày của thế giới.

Đây là lý do khiến giá xăng dầu trong nước biến động chậm, lệch nhịp so với giá thế giới.

Mặc dù các cuộc trao đổi nội bộ giữa Liên Bộ Tài chính – Công Thương kéo dài trong suốt năm qua, nhưng giữa hai bộ vẫn bất nhất quan điểm về nội dung này. Bộ Công Thương muốn thời hạn tính giá khớp với thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu ở mức 15 ngày, trong khi Bộ Tài chính thể hiện quan điểm muốn rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu bình quân xuống còn 10 ngày.

Hết năm 2012, Liên Bộ vẫn chưa đưa ra ý kiến cuối cùng về vấn đề này. Bên cạnh đó, quan điểm “lưỡng tính” về thị trường và phi thị trường đang khiến tính minh bạch trong điều hành xăng dầu trở nên khó xét đoán. Như vậy, nếu không rạch ròi về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong một thị trường thiếu tính cạnh tranh, việc sửa đổi Nghị định 84 cũng khó đạt được mục tiêu cải thiện tính minh bạch cho thị trường.

Ôtô “đóng băng” vì thuế/phí

Thị trường ôtô Việt Nam năm 2012 qua đi với nhiều nỗi thất vọng. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của lãnh đạo các doanh nghiệp, liên doanh ôtô trên thị trường đều kỳ vọng vào con số bán hàng toàn thị trường cả năm sẽ vào khoảng 150.000 xe.

Thế nhưng, cứ mỗi tháng qua đi, niềm tin và sự kỳ vọng đó lại giảm dần và kết thúc năm doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ dừng lại ở mức khoảng 95.000/xe.

Trong hàng loạt các nguyên nhân lý giải cho thất bại của ngành ô tô trong năm 2012, chính sách thuế/phí được cho là nguyên nhân quan trọng nhất. Quá nhiều loại thuế/phí được thu khiến nhu cầu tiêu dùng ô tô sụt giảm mạnh.

Ngay từ 1/1/2012 thuế trước bạ đối với ôtô theo quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP (quy định tăng khung lệ phí trước bạ ôtô từ 10-15% lên 10-20%) được các thành phố lớn nâng lên mức tối đa, ví như: Hà Nội là 20%, Tp.HCM là 15%...

Cùng đó là mức phí cấp biển ô tô cũng được tăng lên 20 triệu đồng. Những quyết định trên ngay lập tức đã tác động mạnh đến lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường. Vì vậy, dù các nhà sản xuất đã liên tục kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi nhưng doanh số bán hàng trong tháng 1/2012 sụt giảm tới gần 60% so với tháng 12/2011, còn nếu tính chung cả năm thì doanh số bán hàng toàn thị trường cũng đã sụt giảm khoảng 30% so với năm 2011.

Bên cạnh những tác động từ sự thay đổi từ thuế/phí như trên, thị trường ô tô còn chịu tác động mạnh từ đề xuất thu phí bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải khởi xướng.

Sau nhiều cân nhắc và tranh cãi, cuối cùng ngày 15/11/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, có hiệu lực từ 1/1/2013.

Dù mức thu được quy định tại thông tư chỉ từ 130.000 – 1.040.000 đồng/tháng tùy từng loại xe nhưng trong bối cảnh người tiêu dùng đang phải chịu quá nhiều loại thuế, phí khi mua và sử dụng xe thì thông tin này một lần nữa có lẽ sẽ khiến thị trường ôtô trong năm tới thêm “ảm đạm”.

Cặp “song tấu” trên thị trường ngoại hối 2012

Tiếp bước những thành công đạt được trong năm 2011, thị trường ngoại hối trong năm 2012 cũng đã cho thấy sự ổn định cần thiết. Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được duy trì ở mức 20.828 đồng “ăn” 1 USD trong hơn 1 năm. Trong khi đó giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng luôn duy trì trong biên độ cho phép (+/-1%), khoảng cách giữa thị trường chính thức và tự do cũng được thu hẹp (chênh lệch khoảng 50-60 đồng).

Để tạo dựng niềm tin cho thị trường, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cam kết không để tỷ giá biến động quá 3% trong năm 2012.

Đi kèm với cam kết đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tiếp đưa ra các văn bản điều hành thị trường quan trọng, 2 trong số đó là Thông tư 03/2012/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú; tiếp đến là Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đây được xem là cặp “song tấu” giúp Ngân hàng Nhà nước gặt hái được những thành công trong điều hành thị trường ngoại hối.

Trong khi theo Thông tư 03, chỉ có những đối tượng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất – kinh doanh để trả nợ mới được vay ngoại tệ, những đối tượng còn lại muốn có ngoại tệ thì phải mua thì Thông tư 07 lại quy định tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc cuối ngày của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 20% vốn tự có thay vì 30% như trước đó.

Đây là bước đi nhằm hạn chế các ngân hàng vay ngoại tệ, hạn chế sự thao túng, tăng cường sức mạnh quản lý tập trung về Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn, qua đó giảm bớt rủi ro ngoại hối.

Sau khi 2 Thông tư trên có hiệu lực đã khiến các kiểu “lách” hoặc “đi sân sau” trong vay vốn khó có cơ hội thi triển, qua đó giúp thị trường ngoại hối ổn định trong suốt một thời gian dài.

Sự ổn định này đã giúp cán cân thanh toán tổng thể dự báo đạt thặng dư kỷ lục khoảng 10 tỷ USD, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng hơn gấp đôi so với hồi đầu năm (khoảng 22 - 23 tỷ USD theo thống kê của Ngân hàng Thế giới). Những thành công trong năm 2012 sẽ là tiền đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo dựng và duy trì được sự ổn định thị trường ngoại hối trong năm 2013.

Lý Hải Hường

Theo VnEconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,983

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079