Chính phủ hành pháp mới là chính phủ mạnh

09/03/2013 16:37 PM

Một Chính phủ mạnh phải là Chính phủ hành pháp, được đảm bảo tính độc lập, phát huy chủ động, sáng tạo trong thực thi quyền hành pháp.

Tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp" do Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ (CP) tổ chức sáng 8/3, có nhiều góc quan điểm tranh luận song tất cả đồng tình cần ưu tiên hàng đầu chế định "hành pháp" của CP và không đồng tình quy định CP là cơ quan chấp hành của Quốc hội (QH), bởi nhiều lẽ không hợp lý.

Tranh luận xung quanh điều 100 dự thảo Hiến pháp sửa đổi ghi: "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CH XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của QH".

Nuối tiếc quy định cũ?
Ông Phạm Đức Bảo (Đại học Luật HN) khẳng định: "CP phải là CP hành pháp. CP hành pháp mới là CP mạnh". Ông không đồng tình quan điểm coi CP là cơ quan chấp hành của QH, bởi như vậy sẽ xem nhẹ vai trò của CP. Thay vào đó, cần tăng vai trò của CP, cùng với Thủ tướng là người lãnh đạo điều hành chính phủ thực hiện quyền hành pháp và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước QH.

GS.TS Phạm Hồng Thái (Đại học Quốc gia HN) cho rằng, ngày nay, khi tính chuyên nghiệp của cơ quan đại diện được đặt ra, các đại biểu chuyên trách ngày một tăng thêm, cơ quan đại diện đều thành lập những thiết chế thường trực, hoạt động thường xuyên của mình, do đó tính chất chấp hành của cơ quan hành chính nhà nước về thực chất đã giảm, đặc biệt ở địa phương.

GS.TS Phạm Hồng Thái

"Việc quy định CP là cơ quan chấp hành của QH và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước, trong chừng mực nào đó là không hợp lý. Vì CP đã là cơ quan hành chính cao nhất của nước, đương nhiên phải chấp hành, thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH. CP không phải là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của QH. 

Phải chăng việc vẫn giữ quy định như vậy chỉ là sự tiếc nuối những quy định đã có... Đặc biệt, khi quy định CP là cơ quan chấp hành của QH, trên thực tế sẽ làm chậm trễ những hoạt động điều hành của CP, có những việc thuộc thẩm quyền của hành chính lại phải chờ xin ý kiến của QH" - ông Thái nêu.

Phải độc lập
Tham luận của PGS.TS Lê Minh Thông - UB Pháp luật của QH phân tích rằng, so với yêu cầu của tình hình mới, quy định của HP về chức năng của CP chưa phản ánh thật đầy đủ quá trình chuyển đổi tất yếu từ một CP "chấp hành" thụ động bằng mệnh lệnh hành chính trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sang CP "chủ động" đề xuất, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô trong Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường, chưa làm rõ mối quan hệ và sự khác biệt giữa thống nhất quản lý nhà nước của CP đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và sự thống nhất quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực của bộ trưởng.

Ảnh: XĐ

Như thế, trên thực tế, rất khó xác định được khi nào và với thẩm quyền gì, CP hoạt động với tư cách là "cơ quan chấp hành của QH" và khi nào, với thẩm quyền gì, CP hoạt động với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

"Sự khó xác định về ranh giới của từng tư cách của CP trong lĩnh vực nhiệm vụ và thẩm quyền đã làm cho mối quan hệ giữa CP trở nên chung chung, khó xác lập được cơ chế phân công, phối hợp để có thể thực hiện hiệu quả quyền lập pháp và quyền hành pháp" - PGS Lê Minh Thông nhận định.

Các ý kiến đồng tình nên rút gọn quy định theo hướng: CP là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước, thực hiện quyền hành pháp.

Ông Lê Minh Thông cho rằng, Hiến pháp cần khẳng định rõ tính chất của CP là "cơ quan hành pháp", thay cho quy định "CP là cơ quan chấp hành của QH".

"Quy định như vậy sẽ bảo đảm tính độc lập tương đối của CP, tạo cơ sở phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ trong thực thi quyền hành pháp, đặc biệt là tạo cơ sở cho việc hình thành cơ chế kiểm soát của CP đối với QH trong việc thực thi quyền lập pháp" - tham luận của ông Thông nêu.

Ông cũng lưu ý, có đủ quyền hành pháp là tiền đề để CP trở thành cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Tương ứng với địa vị pháp lý như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của CP cần được thiết kế theo hai nhóm là nhóm nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng hành pháp và nhóm nhiệm vụ, chức năng quyền hạn thuộc chức năng cơ quan hành chính nhà nước. 

Xuân Linh

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,948

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079