Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, một quan chức Bộ Tài chính cho biết, việc tăng giảm giá xăng dầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố và cơ quan này vẫn đang tính toán các phương án điều hành phù hợp với điều kiện hiện nay.
Với kinh nghiệm tham gia điều hành giá xăng dầu nhiều năm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo cách tính hiện hành, với giá bình quân 30 ngày, giá cơ sở hiện đã giảm khoảng 5%. Cộng với các loại thuế và phí, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đang có lãi từ 800 - 1.000 đồng/lít (kg) với các mặt hàng xăng dầu.
Do đó, ông Thỏa đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần nghiên cứu nhằm kịp thời đưa ra phương án điều hành phù hợp để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh và tránh tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đẩy chiết khấu hoa hồng cho các đại lý tăng cao để tranh thị phần.
Khác với kỳ vọng của người tiêu dùng về việc giảm giá xăng dầu, ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy động thái giảm giá chưa được tính đến.
“Cơ quan quản lý nên tính đến việc giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá để chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá cơ sở phản ánh đúng hơn diễn biến của thị trường. Sau khi mức sử dụng quỹ giảm mới tính được việc giảm giá. Riêng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp tôi đã về 0”, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, ông Thỏa cho rằng nên giảm mức sử dụng quỹ vì mức sử dụng quỹ từ 650-2.000 đồng/lít (kg) là quá cao so với mức trích quỹ 300 đồng/ lít(kg) hiện nay trong khi quỹ bình ổn xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã ở mức rất thấp, thậm chí âm tại một số doanh nghiệp.
“Theo tinh thần của Nghị định 84, quỹ bình ổn giá xăng dầu không nên ở mức âm, quỹ phải phản ứng kịp thời, để bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp khôi phục được lợi nhuận định mức thì nên giảm mức sử dụng quỹ, để chênh lệch quỹ thành lãi của doanh nghiệp thì không được”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Lê Thúy
Theo VnEconomy