Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Theo đó, đặt ra nhiều nhiều vụ thay đổi chính sách nhằm thực hiện nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí như:
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 được Thủ tướng đặt ra là:
- Tập trung rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn;
- Sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản.
Đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến ngân sách, tài sản công (Hình từ Internet)
Trong quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng yêu cầu:
- Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 67/2021/NĐ-CP; có giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc.
Kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở đã được phê duyệt, nhất là các cơ sở phải thu hồi, đấu giá.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp xử lý nhà, đất, tài sản ở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này.
- Rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức về quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công theo đúng quy định; trong đó tập trung sửa đổi, hoàn thiện định mức xe ô tô công cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng xe ô tô công.
- Xây dựng Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, đảm bảo trước năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công.
Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo các định hướng tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
Việc tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách nhà nước thực hiện như sau:
- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015 làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản pháp luật liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương.
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, gắn với tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Ngoài ra, đề xuất sửa đổi các chính sách khi tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong trong một số lĩnh vực khác như:
- Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công đang còn bất cập, thiếu đồng bộ, không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
- Về quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi;
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Xem thêm tại Quyết định 1658/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.