Thất nghiệp trong thanh niên: Mới chỉ là phần nổi tảng băng

10/05/2013 09:23 AM

TT - Đó là nhận định của ông Gyorgy Sziraczki - giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN - về con số vừa công bố cho rằng thanh niên VN độ tuổi 15-24 chiếm tới nửa số người thất nghiệp năm 2012.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-5, ông Gyorgy Sziraczki nhận định điều này có thể kéo theo những tổn thất vĩnh viễn cho nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Rất bình thường

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết số liệu một nửa số người thất nghiệp ở VN trong năm 2012 có độ tuổi 15-24 mà ILO đưa ra là chính xác và “rất bình thường”.

Theo bà Vân, ILO chia nhỏ từng mức tuổi để tính nên khá chính xác. Cụ thể, ở lứa tuổi thanh niên, ILO chia ra hai mức, từ 15-24 và từ 24 đến hết 29 tuổi. Lứa tuổi 15-24 chủ yếu còn đi học nên báo cáo nói một nửa số người thất nghiệp nằm trong độ tuổi này là điều đương nhiên.

Đ.Bình

* Theo ông, đâu là lý do khiến quá nhiều người trẻ thất nghiệp và thiếu việc làm hoặc làm những việc dễ bị tổn thương?

- Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên ở nhiều mặt khác nhau.

Thứ nhất là cắt giảm việc làm và quá trình tái cơ cấu của chính các doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến mất việc. Khi điều đó xảy ra, thanh niên - vốn là những người thiếu kinh nghiệm và kỹ năng - trở thành người dễ bị đào thải nhất.

Thứ hai, với những người lần đầu đi xin việc thì chính việc thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cũng khiến họ bị mất ưu thế so với những lao động trưởng thành.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng thất nghiệp trong thanh niên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên toàn quốc, thanh niên có xu hướng phải làm việc với thời gian dài theo những hình thức không đảm bảo, gián đoạn và không chính thức.

Đó thường là những việc năng suất thấp, thu nhập kém, điều kiện làm việc nghèo nàn và không có bảo hiểm xã hội.

* Điều gì sẽ xảy ra khi tỉ lệ thanh niên VN thất nghiệp cao như vậy?

- Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao, cộng với khả năng tiếp cận việc làm tử tế thấp, đồng nghĩa với việc các bạn đang lãng phí tiềm năng nguồn nhân lực của đất nước. Điều ấy có thể kéo theo những tổn thất vĩnh viễn cho nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giữa thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo đói và các vấn đề xã hội khác có mối liên quan qua lại. Đã có những bằng chứng cho thấy ở các nước đang phát triển, thanh niên, đặc biệt là phụ nữ trẻ, chiếm đại bộ phận lao động nghèo và chán nản. VN cũng không phải là ngoại lệ.

* Vậy ILO có khuyến nghị gì giúp VN cải thiện việc làm cả về số lượng và chất lượng cho thanh niên?

- Tôi cho rằng quá trình cải cách hiện nay trong hệ thống giáo dục và đào tạo là chìa khóa để khai thác tài năng, năng lượng và sức sáng tạo của thanh niên. Giáo dục nghề và kỹ thuật cần chú trọng hơn tới chất lượng và muốn làm được như vậy, tất cả các bên gồm người sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ phải cùng gánh trách nhiệm.

Một loạt chính sách khác cũng cần phải xây dựng để giúp quá trình chuyển đổi từ nhà trường tới nơi làm việc trở nên suôn sẻ hơn. Ví dụ như hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, tìm việc phù hợp, thông tin thị trường lao động và các dịch vụ việc làm khác.

Thực tập hay học việc là một công cụ mạnh để tạo ra được việc làm cho thanh niên, giảm thiểu việc người lao động có kỹ năng này nhưng lại phải làm việc đòi hỏi kỹ năng khác, đồng thời giúp thanh niên có thể thuận lợi chuyển từ thế giới học hành sang thế giới làm việc.

Ngoài ra, chúng ta cần kêu gọi tinh thần kinh doanh và tự tạo việc làm để giải phóng tiềm năng kinh tế của giới trẻ bằng các biện pháp như đào tạo (cả trong công việc và trên ghế nhà trường), các dịch vụ hỗ trợ như hợp tác xã, tiếp cận tín dụng...

Nhưng tự thân giáo dục, đào tạo và các chính sách thị trường lao động chưa đủ. Không thể giải quyết các thách thức việc làm thanh niên ở VN mà không thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm giải phóng tăng trưởng, mà không điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và những giải pháp tài khóa để tạo việc làm, tăng tổng cầu mà không cải thiện tiếp cận tài chính. Tất cả những điều này đều mang ý nghĩa then chốt cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

TP.HCM: 19% số người thất nghiệp dưới 24 tuổi

Ông Nguyễn Cao Thắng, phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, cho biết từ năm 2010 đến nay, TP.HCM có 54.500 lao động dưới 24 tuổi thất nghiệp (đây là những người có quan hệ lao động - PV). Số thất nghiệp này chỉ chiếm gần 19% so với tổng số thất nghiệp toàn TP (287.000 người). Trong khi đó số người thất nghiệp của TP.HCM chiếm 30% tổng số người thất nghiệp cả nước.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, dẫn nghiên cứu của viện này với tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên VN vào mức từ 20%. Theo bà Hương, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao có rất nhiều lý do, thứ nhất do các em mới chuyển từ trung học lên đại học, có em ở nhà chờ thi đại học, có em đã tốt nghiệp nhưng tạm thời chưa xin được việc làm...

Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế năm 2012 khó khăn cũng kéo theo việc tăng tỉ lệ thất nghiệp, ví dụ về tỉ lệ GDP của VN đã giảm từ 7% còn 5%, mà theo tính toán thì cứ 1% GDP tương ứng với 200.000 lao động. Nhìn vào tỉ lệ giảm GDP nói chung cũng có thể tính toán được tỉ lệ lao động thất nghiệp.

H.Điệp - V.Thủy - T.Cường

Hương Giang thực hiện

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,526

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079