Đề xuất trường hợp miễn giảm mức đóng kinh phí công đoàn

25/02/2023 12:12 PM

Tại dự thảo Luật Công đoàn, đã đề xuất bổ sung trường hợp doanh nghiệp được miễn giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

Đề xuất trường hợp miễn giảm mức đóng kinh phí công đoàn

Đề xuất trường hợp miễn giảm mức đóng kinh phí công đoàn (Hình từ internet)

Đề xuất trường hợp miễn giảm mức đóng kinh phí công đoàn

Bổ sung thêm vào Điều 26 dự thảo Luật Công đoàn (Tài chính công đoàn) 1 khoản quy định về năm tài chính công đoàn và việc miễn, giảm kinh phí công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn, như sau:

“5. Việc miễn, giảm kinh phí công đoàn trong năm tài chính công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên.”.

Dự thảo Luật Công đoàn

Trước đó, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, mà Tổng Liên đoàn Lao động đã có quy định lùi đóng kinh phí công đoàn đến năm 2021.

Cụ thể, theo Công văn 2946/TLĐ-TC ngày 26/10/2021, đối tượng được lùi đóng kinh phí công đoàn là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 01/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương).

Bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn

Cụ thể, dự thảo Luật Công đoàn bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 27 theo phương án, như sau:

“2. Phân phối nguồn thu kinh phí công đoàn theo Khoản 2, Điều 26 hàng năm: Công đoàn cấp trên cơ sở được quản lý, phân phối và sử dụng 25% trên tổng số thu kinh phí công đoàn. Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được sử dụng 75% trên tổng số thu kinh phí công đoàn áp dụng cụ thể cho các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, toàn bộ kinh phí công đoàn nêu trên được phân phối cho công đoàn cơ sở.

b) Trường hợp doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn. Công đoàn cấp trên cơ sở được sử dụng số thu kinh phí công đoàn còn lại.

c) Trường hợp doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Điểm b Khoản 2 Điều này.

d) Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo nguyên tắc tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.”.

Đối tượng và mức đóng kinh phí công đoàn hiện nay

Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trong đó, quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Công đoàn

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,285

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079