Đề xuất sửa đổi đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã

27/03/2023 09:30 AM

Đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã là nội dung được Bộ Nội vụ đề xuất tại dự thảo Nghị định liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã.

Đề xuất sửa đổi đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã

Đề xuất sửa đổi đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã (Hình từ Internet)

Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã trong dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (dự thảo Nghị định).

Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

1. Sửa đổi tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã (Đề xuất)

Cụ thể tại Điều 7 dự thảo Nghị định, tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã được đề xuất như sau:

(i) Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức; Luật Dân quân tự vệ (đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã); Điều lệ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

(ii) Đối với công chức là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại (i) còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Hiện hành, tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Điều 6 Nghị định 114/2003/NĐ-CP và  Điều 3 Nghị định 112/2011/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau đây:

+ Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực và tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

+ Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

+ Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Đối với các công chức Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội:

+ Hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

+ Có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

+ Có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

+ Am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.

- Đối với công chức Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã: ngoài những tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thực hiện một số nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Như vậy so với hiện hành, nội dung đề xuất sửa đổi trong dự thảo Nghị định đã không còn nêu chi tiết các điều kiện chung mà thay vào đó đã quy về các quy định hiện hành như:

- Pháp luật về cán bộ, công chức;

- Luật Dân quân tự vệ (đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã);

- Điều lệ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

2. Sửa đổi tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã (Đề xuất)

2.1. Sửa đổi tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ cấp xã

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi Điều 7 Nghị định 114/2003/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với một số chức danh cán bộ cấp xã như sau:

(1) Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ

- Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác 02 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với khu vực đồng bằng có trình độ đại học trở lên, đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có trình độ từ trung cấp trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng;

- Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp trở lên

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của tổ chức chính trị ở trung ương.

Hiện hành, tiêu chuẩn cụ thể của Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy xã được quy định chi tiết tại Khoản 4 Điều 5 Quyết định 04/2004/QĐ-BNV như sau:

- Tuổi đời: Không quá 45 tuổi khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.

- Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Lý luận chính trị: Có trình độ trung cấp chính trị trở lên.

- Chuyên môn, nghiệp vụ:

Ở khu vực đồng bằng và đô thị có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; ở khu vực miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn (tương đương trình độ sơ cấp trở lên), nếu tham gia giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.

Đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế.

(2) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã

- Độ tuổi: Theo quy định của luật, Điều lệ tổ chức chính trị - xã hội và quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Trung cấp trở lên;

- Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp trở lên.

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

Tại khoản 3 Điều 6 Quyết định 04/2004/QĐ-BNV, tiêu chuẩn cụ thể của Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã như sau:

- Các tiêu chuẩn (do các đoàn thể chính trị - xã hội quy định) của cán bộ chuyên trách thuộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được giữ nguyên trong nhiệm kỳ hiện tại.Các tiêu chuẩn quy định này được áp dụng kể từ đầu nhiệm kỳ tới của từng tổ chức đoàn thể.

- Tuổi đời:

+ Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Không quá 60 tuổi đối với nam, không quá 55 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.

+ Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Không Quá 30 tuổi khi tham gia giữ chức vụ công tác.

+ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông Dân: Không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.

+ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: Không quá 65 tuổi khi tham gia giữ chức vụ.

- Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên ở khu vực đồng bằng, tốt nghiệp tiểu học trở lên ở khu vực miền núi.

- Lý luận chính trị: Có trình độ sơ cấp và tương đương trở lên.

- Chuyên môn, nghiệp vụ: Đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực công tác mà cán bộ đang đảm nhiệm tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

(3) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

- Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác 02 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với khu vực đồng bằng có trình độ đại học trở lên; đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có trình độ trung cấp trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước;

- Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp trở lên;

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Hiện hành, tiêu chuẩn cụ thể đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định như sau:

- Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã:

+ Tuổi đời: Tuổi của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương nhưng tuổi tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ.

+ Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

+ Lý luận chính trị: Có trình độ trung cấp lý luận chính trị đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

+ Chuyên môn, nghiệp vụ:

Có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên đối với khu vực đồng bằng. Với khu vực miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

Ngành chuyên môn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng loại hình đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Đã qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế, kiến thức và kỹ năng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

- Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã:

+ Tuổi đời: Tuổi đời của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương nhưng tuổi tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ.

+ Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

+ Chính trị: Có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

+ Chuyên môn, nghiệp vụ:

Ở khu vực đồng bằng, có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Với miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn (tương đương trình độ sơ cấp trở lên), nếu giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.

Ngành chuyên môn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng loại hình đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế.

(Khoản 4 Điều 7 và Khoản 4 Điều 8 Quyết định 04/2004/QĐ-BNV)

2.2. Sửa đổi tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức cấp xã

Tại Điều 10 dự thảo Nghị định, tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức cấp xã như sau:

(1) Tiêu chuẩn cụ thể của công chức Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về Quân sự.

(2) Tiêu chuẩn cụ thể của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau:

- Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên.

Trường hợp Luật có quy định về trình độ chuyên môn nghiệp vụ khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Luật đó.

Theo đó, căn cứ tiêu chuẩn của công chức cấp xã quy định tại (2) và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:

- Tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại địa bàn cấp xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Ngành đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

- Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ), thực hiện các chế độ chính sách và tinh giản biên chế.

Hiện hành, tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh công chức cấp xã được quy định tại Quyết định 04/2004/QĐ-BNV, đơn cử tiêu chuẩn cụ của thể của công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã như sau:

- Tuổi đời: Không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.

- Học vấn: Tốt nghiệp trung học phổ thông đối với khu vực đồng bằng và đô thị; tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đối với khu vực miền núi.

- Lý luận chính trị: Sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

+ Chuyên môn nghiệp vụ:

Ở khu vực đồng bằng có trình độ trung cấp Luật trở lên và phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cấp xã sau khi được tuyển dụng.

Với công chức đang công tác ở khu vực miền núi hiện nay, tối thiểu được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tư pháp cấp xã;nếu mới được tuyển dụng lần đầu phải có trình độ trung cấp luật trở lên.

Phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước sau khi được tuyển dụng. ở khu vực đồng bằng và đô thị phải sử dụng được kỹ thuật tin học trong công tác chuyên môn.

(Khoản 2 Điều 11 Quyết định 04/2004/QĐ-BNV)

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,712

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079