Luật Tiếp công dân: Không nên chỉ là đón tiếp và lắng nghe

29/05/2013 15:37 PM

Để khắc phục “lỗi chủ quan” khiến hiệu quả việc tiếp công dân chưa cao, Luật Tiếp công dân đã đưa ra hàng loạt quy định mới.

Thậm chí yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải trình về những ý kiến, thắc mắc của dân thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý.

Số lượng khiếu tố ngày càng tăng

Rất nhiều số liệu về việc tiếp công dân  đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày sáng nay (29.5) khi QH nghe tờ trình dự thảo Luật Tiếp công dân. 1,57 triệu lượt người khiếu tố trong các năm 2008-2011. Theo Tổng Thanh tra, số lượng khiếu tố ngày càng tăng trên cả 3 phương diện: Số người, số đoàn, số vụ việc với tỷ lệ tăng có khi lên 64,5%. 

Sự phức tạp kèm theo sự bức xúc, thậm chí  có lúc, có nơi “đặc biệt phức tạp, gay gắt” với “thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế”. 

Nóng nhất, theo Tổng Thanh tra, là những khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án xảy ra đồng loạt tại các địa phương như TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đăk Lăk, Đắc Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... 

“Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối... Trong một số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Một số vụ việc khiếu kiện người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm” - Tổng Thanh tra nói. 

Người đứng đầu phải tiếp dân  ít nhất 1 buổi/tháng

Bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan khiến hiệu quả  công tác tiếp công dân chưa cao, Tổng Thanh tra CP cũng thẳng thắn thừa nhận một số nguyên nhân chủ quan: Đó là nhận thức của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa đúng mức để coi giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân. Việc tiếp công dân còn hình thức, chiếu lệ, chưa gắn với việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong nhiều trường hợp còn có tâm lý ngại va chạm, né tránh, có khi còn sợ liên đới trách nhiệm. Một số cán bộ, công chức còn có biểu hiện kỳ thị đối với những người khiếu nại, tố cáo. 

Để khắc phục “lỗi chủ quan”, Luật Tiếp công dân đã đưa ra hàng loạt quy định mới. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải trình về những ý kiến, thắc mắc của nhân dân thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình. 

Theo dự thảo luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước khi tiếp công dân phải gắn với việc xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Khi tiếp công dân, người đứng đầu phải có ý kiến trả lời về giải quyết vụ việc cho công dân; trường hợp chưa trả lời ngay được thì phải thông báo rõ thời gian giải quyết và thời gian trả lời cho công dân. 

Để khắc phục tình trạng né tránh tiếp dân, dự thảo quy định rõ Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại ít nhất 1 ngày mỗi tháng. Cấp quận, huyện phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày mỗi tháng. Cấp xã, phường tiếp ít nhất 1 ngày mỗi tuần. 

Đối với Bộ trưởng các bộ, Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp tiếp công dân ít nhất 1 ngày mỗi tháng. Các bộ, sở, ngành khác tiếp ít nhất 1 buổi mỗi tháng. 

Người đứng đầu  các cơ  quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; người đứng đầu các ban của tổ chức chính trị ở cấp Trung ương, người đứng đầu tổ chức chính trị ở địa phương, người đứng đầu các ban của tổ chức chính trị ở cấp tỉnh, cấp huyện; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm bố trí lịch trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 buổi mỗi tháng. 

Báo cáo thẩm tra Luật Tiếp công dân đã nhắc đến ý kiến cho rằng hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu tố của dân. “Luật cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác”- ông Lý nói. 

Ủy ban đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ai tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân như thế nào. 

Anh Đào

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,650

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079