Đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề

29/03/2023 16:34 PM

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, trong đó đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề.

Đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề

Đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề (Hình từ internet)

1. Đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề

Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định nhà giáo dạy trình độ cao đẳng phải đáp ứng:

- 3 tiêu chí về năng lực chuyên môn; 

- 9 tiêu chí về năng lực sư phạm; 

- 3 tiêu chí về năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học.

Còn trong dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đề xuất 08 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề, cụ thể:

(1) 3 tiêu chí về chuyên môn của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng

Tiêu chí 1: Trình độ đào tạo

* Đối với nhà giáo dạy lý thuyết:

Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

* Đối với nhà giáo dạy thực hành: 

- Có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

- Nếu không có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy thì phải có một trong các minh chứng về trình độ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy sau:

+ Bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú;

+ Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp II; Bằng cử nhân đối với một số ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù (Nghệ thuật, Huấn luyện thể thao, Giáo dục thể chất, Máy tính và công nghệ thông tin, Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam);

+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng;

+ Chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề;

+ Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6; hoặc các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận tương đương trở lên. 

* Đối với nhà giáo dạy tích hợp: 

- Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;

- Có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy. Nếu không có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy thì phải một trong các minh chứng về trình độ kỹ năng nghề được quy định như đối với nhà giáo dạy thực hành.

Tiêu chí 2: Năng lực sử dụng ngoại ngữ

Có năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng theo yêu cầu vị trí việc làm được quy định tại Đề án vị trí việc làm do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 

Tiêu chí 3: Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin 

Có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng theo yêu cầu vị trí việc làm được quy định tại Đề án vị trí việc làm do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 

(2) 5 tiêu chí về nghiệp vụ của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng

Tiêu chí 4: Trình độ nghiệp vụ sư phạm

Có một trong các minh chứng về trình độ kỹ nghiệp vụ sư phạm sau:

- Bằng cử nhân sư phạm, cử nhân sư phạm kỹ thuật;

- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, dạy trình độ trung cấp;

- Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề;

- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng;

- Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng; hoặc các văn bằng, chứng chỉ tương đương. 

Tiêu chí 5: Tổ chức hoạt động giảng dạy

- Lập được kế hoạch giảng dạy và xây dựng giáo án của môn học, mô-đun được phân công giảng dạy.

- Thực hiện các giờ dạy lý thuyết, thực hành, tích hợp theo quy định.

- Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị dạy học liên quan đến môn học, mô-đun được phân công giảng dạy.

- Chủ trì hoặc tham gia thiết kế và bố trí trang thiết bị dạy học của phòng học chuyên môn phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy.

- Sử dụng thành thạo, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các phương pháp sư phạm trong tổ chức dạy học.

- Vận dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm để triển khai đào tạo trên môi trường số.

- Thực hiện việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp thông qua việc giảng dạy môn học, mô-đun theo kế hoạch đã xây dựng.

- Quản lý được các thông tin liên quan đến người học trong quá trình giảng dạy.

- Giám sát được việc học tập, rèn luyện của người học theo kế hoạch đã xây dựng.

- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá người học một cách toàn diện, chính xác, mang tính giáo dục và đúng quy định.

- Thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng, bảo quản, lưu trữ biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ dạy học.

Tiêu chí 6: Học tập, bồi dưỡng nâng cao

- Tham gia dự giờ hoặc chủ trì báo cáo sinh hoạt chuyên môn trong năm học.

- Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hằng năm theo quy định.

- Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ cấp cơ sở trở lên mỗi năm học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy; nâng cao khả năng nghiên cứu và vận dụng đúng quy định các văn bản có liên quan đến nghề nghiệp hoặc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy trong năm học.

- Tham gia các kỳ thi hoặc cuộc thi hoặc hội thi hoặc hội giảng từ cấp cơ sở trở lên.

Tiêu chí 7: Phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học

- Tham gia hướng dẫn thực tập cho người học kết hợp với thực tiễn nghề nghiệp trong năm học.

- Tham gia bồi dưỡng nâng cao, luyện tay nghề cho người học hoặc nhà giáo đi thi kỳ thi kỹ năng nghề hoặc cuộc thi, hội thi hoặc hội giảng từ cấp cơ sở trở lên.

Tiêu chí 8: Nghiên cứu khoa học

* Đối với nhà giáo dạy lý thuyết: 

- Chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong năm học;  

- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn, xây dựng, chỉnh lý, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy hoặc chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghề nghiệp trong năm học. 

* Đối với nhà giáo dạy thực hành: 

- Có sáng kiến kinh nghiệm hoặc chủ trì hoặc tham gia thiết kế, chế tạo, cải tiến thiết bị giảng dạy hoặc tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong năm học; 

- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn, xây dựng, chỉnh lý, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy hoặc chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghề nghiệp trong năm học. 

* Đối với nhà giáo dạy tích hợp: 

- Chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong năm học;  

- Có sáng kiến kinh nghiệm hoặc chủ trì hoặc tham gia thiết kế, chế tạo, cải tiến thiết bị giảng dạy hoặc tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong năm học;

- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn, xây dựng, chỉnh lý, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy hoặc chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghề nghiệp trong năm học. 

2. Mục đích quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cao đẳng nghề

- Làm căn cứ để nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tự đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; 

Xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp

- Làm căn cứ để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để xếp loại nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; 

Từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp của nhà trường, địa phương và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

- Làm căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách để chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; lựa chọn, sử dụng đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

- Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

(Điều 3 dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp)

Đỗ Thành Long

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,731

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079