Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với nhiều mục đích và lợi thế. Đó là nguồn lao động giá rẻ, thị trường dân số đông, mức sống tuy còn thấp nhưng lại có nhu cầu tăng với tốc độ cao; được hưởng ưu đãi khi đầu tư…; có nguồn vốn lớn bằng các ngoại tệ mạnh, lãi suất vay vốn thấp, năng lực sản xuất ngày một tăng do lượng vốn đăng ký và lượng vốn thực hiện ngày một lớn, khi các nền kinh tế lớn hồi phục tăng trưởng… Có trình độ kỹ thuật- công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp cao hơn. Có sự hỗ trợ của các công ty mẹ, có các chi nhánh hoạt động ở nhiều nước…
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI 5 tháng đầu năm nay đã tăng 26,3%, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch của cả nước (tăng 16,7%).
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI 5 tháng đầu năm nay chiếm 66,2%, cao hơn tỷ trọng của khu vực này trong cùng kỳ năm trước (61,2%) và cao gấp đôi tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước (33,8%).
Trong môi trường sản xuất kinh doanh ở nước ta, khu vực FDI có 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và trong số này, có tới 22 mặt chiếm tỷ trọng trên 50%...
Một số mặt hàng của khu vực này trong 5 tháng đầu năm 2013 đã “tăng tốc” rất mạnh, cả về kim ngạch lẫn thị trường, so với mặt bằng chung.
Cụ thể: điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng tuy mới xuất hiện trong vài năm gần đây, nhưng đã nhanh chóng vượt lên đứng thứ nhất với kim ngạch đạt trên 8 tỷ USD. Đây là mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ cao. Thị trường xuất khẩu khá rộng, trong đó có nhiều thị trường đạt tốc độ tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ (Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng tới 171,6%). Đây cũng là mặt hàng góp phần làm cho Bắc Ninh vượt lên trở thành địa phương có kim ngạch lớn thứ hai cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh). Thái Nguyên với việc thu hút dự án FDI lớn cũng sẽ nối tiếp vị trí của Bắc Ninh.
Điện thoại và linh kiện cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất siêu lớn (lên đến 5,31 tỷ USD).
Thứ hai là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tuy có kim ngạch không lớn, nhưng lại là mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ cao, chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong các mặt hàng xuất khẩu của khu vực FDI và cũng nhanh chóng nằm trong danh sách 29 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Khu vực FDI không nhập siêu mặt hàng này, nhưng cả nước vẫn nhập siêu trên 83 triệu USD, điều đó chứng tỏ việc tiêu thụ mặt hàng này của khu vực FDI còn rộng mở.
Kế đến là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 3 của khu vực FDI. Đây là mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ cao. Tuy nhiên, nhập siêu của cả nước về mặt hàng này còn rất lớn lên tới trên 3,23 tỷ USD, trong đó khu vực FDI nhập siêu tới 2,75 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ nhu cầu ở trong nước khá lớn mà nguyên nhân là do công nghiệp phụ trợ phát triển chưa đủ mạnh để kiềm chế nhập khẩu.
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 2 của khu vực FDI. Có thể không nhiều người nghĩ rằng khu vực FDI lại đạt được kim ngạch lớn như vậy, dù tỷ trọng không lớn như nhiều mặt hàng khác, nhưng cũng chiếm tới 60,1% tổng kim ngạch dệt may của cả nước và có xuất siêu. Điều đó chứng tỏ khu vực FDI đã khai thác tốt lợi thế giá nhân công còn rẻ của Việt Nam.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng xuất khẩu của khu vực FDI cũng chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Đây là mặt hàng mà Việt Nam nhập siêu lớn (5 tháng lên đến 4,78 tỷ USD), trong đó khu vực FDI nhập siêu 2,21 tỷ USD.
Do khu vực FDI xuất khẩu tăng cao hơn, có quy mô lớn hơn của khu vực kinh tế trong nước, nên khu vực này đã xuất siêu khá và tăng lên so với cùng kỳ năm 2012, góp phần hạn chế nhập siêu của cả nước (theo ước tính mới nhất trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 1,4 tỷ USD, còn khu vực FDI xuất siêu hơn 5,4 tỷ USD).
Minh Ngọc