Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý

16/06/2023 10:55 AM

Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý là nội dung tại Quyết định 1017/QĐ-BTP ngày 13/6/2023.

Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý

Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Hình từ internet)

Ngày 13/6/2023, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 1017/QĐ-BTP ngày 13/6/2023 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

1. Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý

Theo đó, tại Quyết định 1017/QĐ-BTP ngày 13/6/2023 đã sửa đổi, bổ sung thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý như sau:

- Trình tự thực hiện:

+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Trợ giúp pháp lý nếu có nguyện vọng làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi chung là cộng tác viên) và nhất trí với các nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì gửi hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú.

+ Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm lựa chọn hồ sơ trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét cấp thẻ cộng tác viên. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, quyết định cấp thẻ cộng tác viên. Trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp thẻ, cộng tác viên trợ giúp pháp lý có trách nhiệm đến Trung tâm để ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp có lý do chính đáng thì có thể kéo dài nhưng không quá 35 ngày kể từ ngày được cấp thẻ.

- Cách thức thực hiện:

+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố;

+ Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;

+ Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.

* Lưu ý: Việc nộp hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên được thực hiện như sau:

- Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm, người đề nghị làm cộng tác viên nộp các giấy tờ: Đơn đề nghị làm cộng tác viên; Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

- Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ: Đơn đề nghị làm cộng tác viên; Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

- Trường hợp gửi qua fax, hình thức điện tử, người đề nghị làm cộng tác viên gửi các giấy tờ: Đơn đề nghị làm cộng tác viên; Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định; Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm đến Trung tâm.

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BTP (Mẫu TP-TGPL - 10);

Mẫu TP-TGPL-10

+ Giấy tờ chứng minh là người đã nghỉ hưu theo quy định;

+ Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú và 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.

* Lưu ý:

- Trong trường hợp cần sử dụng đến thông tin về nơi cư trú của người đề nghị cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý thì cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thực hiện khai thác thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo một trong các phương thức quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Nếu không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP bao gồm:

+ Thẻ Căn cước công dân,

+ Chứng minh nhân dân,

+ Giấy xác nhận thông tin về cư trú,

+ Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Những đối tượng thực hiện thủ tục cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý 

Căn cứ theo khoản 2 Điều 24 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm:

- Trợ giúp viên pháp lý;

- Thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án;

- Kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên;

- Chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự;

- Chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

Xem thêm Quyết định 1017/QĐ-BTP có hiệu lực từ ngày 13/6/2023.

Hồ Quốc Tuấn

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,621

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079