Từ 01/8/2023, công chức cấp xã thay đổi trình độ đào tạo thì được xếp lương thế nào? (Hình từ Internet)
Ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
Cụ thể tại khoản 1 và 2 Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã như sau:
- Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.
- Trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp người được bầu làm cán bộ cấp xã, được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP mà đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định nâng bậc lương đối với công chức cấp xã như sau:
Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, kéo dài thời gian nâng bậc lương theo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Phụ cấp thâm niên vượt khung công chức cấp xã được quy định theo Điều 18 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:
Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh công chức cấp xã được quy định tại Điều 20 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:
- Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chức vụ, chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được so với quy định.
- Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
Xem thêm Nghị định 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 bãi bỏ các nghị định: Nghị định 114/2003/NĐ-CP, Nghị định 112/2011/NĐ-CP, Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP.
Hồ Quốc Tuấn