Sửa Nghị định số 59/2011/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho các DNNN thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình

03/08/2013 10:43 AM

Bộ Tài chính hiện đang gấp rút đẩy nhanh việc sửa Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần để nhằm tạo thuận lợi cho các DN thực hiện cổ phần hóa, một khâu quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu các DNNN.

Nghị định số 59/2011/NĐ-CPngày 18-7-2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần với những quy định mới nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X và chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế CPH gắn với thị trường, ngăn ngừa thất thoát tài sản Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác CPH.

 

Để triển khai Nghị định 59, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2011/TT-BTChướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện CPH và Thông tư số 196/2011/TT-BTChướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

 

Tuy nhiên, có những vướng mắc xuất phát từ quy định của Nghị định 59 do đó cần có giải pháp khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác CPH DN 100% vốn Nhà nước.

 

Nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh quá trình CPH theo Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015, tại Quyết định số 929/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung  quy định về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Do đó, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59.

 

 

Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung đó là quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất. Trên cơ sở tình hình thực hiện CPH và lắng nghe kiến nghị của các bộ, địa phương, các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ thực hiện điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH theo hướng quy định về nguyên tắc tất cả diện tích đất DN CPH đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền (trừ những trường hợp đặc biệt thì có cơ chế xử lý cụ thể).

 

Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình CPH. Theo phương án này, đối với các diện tích đất DN đã được giao đất, nay chuyển sang thuê thì giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại tại thời điểm xác định giá trị DN được xác định là số tiền DN đã trả trước tiền thuê đất cho một khoảng thời gian nhất định theo mặt bằng giá thuê đất tại thời điểm DN hoàn tất thủ tục thuê đất với cơ quan quản lý tại địa phương, không ảnh hưởng đến Ngân sách Nhà nước và lợi ích kinh tế của DN.

 

Đối với diện tích đất DN thực hiện thuê đất thì thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm theo cơ chế đã được quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý vì giá thuê đất đã sát giá thị trường.

 

Đối với việc đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị DN, theo quy định, DN CPH phải tiến hành đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định.

 

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số TĐ kinh tế, TCT nhà nước thì việc đối chiếu toàn bộ công nợ là khó khăn, các DN hiện nay chỉ đối chiếu được khoảng 60 - 70%, do vậy quy định đối chiếu toàn bộ công nợ sẽ làm chậm tiến độ CPH của DN.

 

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh theo hướng: Giao các bộ, ngành, địa phương, TĐ kinh tế, TCT nhà nước chỉ đạo DN CPH thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ (phải thu, phải trả) đến thời điểm xác định giá trị DN theo quy định. Trong một số trường hợp do thời điểm CPH không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều, không kịp đối chiếu hết thì DN CPH phải báo cáo các bộ, địa phương xem xét, xử lý.

 

Việc CPH các TĐ kinh tế, TCT nhà nước có đơn vị sự nghiệp có thu như bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu dự kiến sẽ được Bộ Tài chính tháo gỡ.

 

Nếu các DN CPH tiếp tục kế thừa sẽ tổ chức định giá tính vào giá trị DN CPH. Còn trường hợp các DN CPH không kế thừa thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển giao cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện xã hội hóa theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.

 

Ví dụ đối với các bệnh viện đề xuất giao Bộ Y tế tiếp quản; các trường đào tạo nghề đề xuất giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp quản; các Viện nghiên cứu đề xuất giao Bộ quản lý ngành kinh doanh chính tiếp quản... Trong thời gian chưa bàn giao thì giao bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh tiếp quản và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại các đơn vị này.

 

Theo kế hoạch, nhiều TĐ, TCT sẽ thực hiện CPH trong năm nay như: TĐ Dệt may Việt Nam, TCT Mía đường I, TCT Mía đường II, TCT Cơ điện - Xây dựng nông nghiệp và Thủy lợi, TCT Chăn nuôi Việt Nam…

 

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59 trình Chính phủ. Chắc chắn, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế CPH sẽ tạo thuận lợi cho các DNNN thực hiện theo đúng lộ trình.

 

NL

Theo mof.gov.vn

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,948

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079