Đề xuất không tăng tuổi hưởng lương hưu với NLĐ đóng BHXH tự nguyện

04/08/2023 09:31 AM

Tôi nghe nói vừa có đề xuất không tăng tuổi hưởng lương hưu với người lao động đóng BHXH tự nguyện, có thực vậy không? – Văn Tú (TPHCM)

Đề xuất không tăng tuổi hưởng lương hưu với NLĐ đóng BHXH tự nguyện

Đề xuất không tăng tuổi hưởng lương hưu với NLĐ đóng BHXH tự nguyện (Hình từ internet)

Điều kiện hưởng lương hưu khi đóng BHXH tự nguyện hiện nay

Hiện hành, theo khoản 1 Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) quy định người lao động đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, độ tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi, và tăng thêm 4 tháng mỗi năm với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi.

Như vậy, với lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu như trên thì điều kiện để được hưởng lương hưu của người lao động đóng BHXH tự nguyện, cũng sẽ tăng dần theo từng năm.

Ví dụ: Năm 2023, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, còn lao động nữ là 56 tuổi. Người đóng BHXH tự nguyện muốn lãnh lương hưu năm 2023 thì phải đáp ứng điều kiện về tuổi này.

Đề xuất không tăng tuổi hưởng lương hưu với NLĐ đóng BHXH tự nguyện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định có lợi với người lao động tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp người lao động bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến năm 2025) và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Quy định chuyển tiếp với những trường hợp người lao động đã tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến năm 2025) được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên.

Như vậy, việc đề xuất chính sách này sẽ có lợi hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện được tiếp cận chế độ hưu trí khi đã ngoài tuổi lao động.

Đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu?

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng BHXH như sau:

Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động (NLĐ) bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp NLĐ đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH.

Theo quy định nói trên thì thời gian đóng BHXH tự nguyện vẫn được tính vào tổng quá trình đóng BHXH và được cộng nối với quá trình đóng BHXH bắt buộc.

Do đó, sau khi nghỉ việc ở công ty và ngưng đóng BHXH bắt buộc, người lao động có thể chuyển sang đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện về thời gian 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn phương thức đóng BHXH cho người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm BHXH như sau: Nếu thời gian đóng BHXH thiếu không quá 10 năm thì người tham gia BHXH tự nguyện được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Xem thêm: Hướng dẫn tra cứu thông tin đóng BHXH tự nguyện, BHYT online

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,301

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079