Các trường hợp hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư bị bãi bỏ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.
(Điều 2 Nghị định 61/2023/NĐ-CP)
Cộng đồng dân cư là nhóm công dân Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố). (Khoản 3 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022) |
Theo khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 61/2023/NĐ-CP, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư sẽ bị bãi bỏ toàn bộ hoặc bãi bỏ một phần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Các trường hợp bị bãi bỏ toàn bộ bao gồm:
- Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư;
- Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 61/2023/NĐ-CP nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này;
- Không bảo đảm tỷ lệ thông qua quy định tại Điều 10 Nghị định 61/2023/NĐ-CP mà cộng đồng dân cư không thực hiện lại việc thông qua để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.
Cụ thể hương ước, quy ước chỉ được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư tán thành và được thực hiện bằng một trong các hình thức như sau:
+ Thông qua tại cuộc họp của cộng đồng dân cư theo các quy định sau:
(i) Phải có đại diện của trên 50% tổng số hộ gia đình tại cộng đồng dân cư tham dự họp;
(ii) Trình tự, thủ tục tổ chức cuộc họp thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022.
+ Thông qua bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến từng hộ gia đình trong cộng đồng dân cư theo các quy định sau:
(i) Chỉ lấy ý kiến sau khi cuộc họp của cộng đồng dân cư không thể thực hiện được do không đạt tỷ lệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 61/2023/NĐ-CP;
(ii) Kết quả lấy ý kiến phải công khai sau khi tổng hợp bằng hình thức phù hợp do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn;
(iii) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022.
(2) Các trường hợp bị bãi bỏ một phần bao gồm:
Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư bị bãi bỏ một phần khi bị tạm ngừng thực hiện một phần theo quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 12 Nghị định 61/2023/NĐ-CP nhưng đã hết thời hạn phải sửa đổi, bổ sung, thay thế được quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà cộng đồng dân cư không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung.
Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2023 và Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.