Thận trọng tăng thuế suất tài nguyên

21/08/2013 17:15 PM

VOV.VN -Việc tăng thuế suất cần phải nghiên cứu kỹ, thận trọng để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tiếp theo chương trình làm việc, sáng nay (21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Sau khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Tuấn trình bày tờ trình, nhiều vấn đề được các thành viên ủy ban đặt ra và thảo luận sôi nổi, trong đó lưu ý đến tác động của việc tăng thuế suất, thời điểm tăng, cũng như đặt trong bối cảnh nhất quán với thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đang tham gia đàm phán.

Đề nghị tăng mức thuế suất nhiều loại tài nguyên

Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng mức thuế suất đối với 15 loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại (sắt, titan, vàng, vonfram và antinmon, đồng, niken, bô xít, thiếcvà nhóm khoáng sản không kim loại (đá, sỏi, cát, đất làm gạch, nước thiên nhiên). Theo đó, mức thuế tăng từ 1-8% so với mức thuế suất hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ngoài phải đóng thuế giá trị gia tăng còn phải đóng phí bảo vệ môi trường, thu nhập doanh nghiệp và khoản tiền khai thác tuyên (chưa thực hiện từ năm 2009). 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu và thống nhất mức tăng thuế suất tài nguyên

Trước câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu và một số đại biểu khác đề nghị cho biết sự khác biệt về thuế suất giữa nước ta với các nước, đặc biệt là những nước mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán (như trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, về tỷ lệ, thuế suất của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, trong đó có các  nước mà Việt Nam đang đàm phán gia nhập TPP (khoảng 80% so với khu vực, 90% so với Australia). Mức thuế đề nghị tăng dựa dựa vào doanh số 3 năm (2010-2012) và một số yếu tố khác để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ tài nguyên.

“Nhìn chung, biểu đồ về thuế suất đang đi xuống và đây là biểu hiện tích cực. Tuy nhiên, việc giảm cần tính toán nếu không sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Chúng ta cải cách nhiều về thu nhưng cải cách về chi ngân sách lại chưa tương xứng”, ông Hiển cho biết thêm.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, nếu Việt Nam vào TPP - một sân chơi bình đẳng thì chính sách thuế phải thay đổi hết sức căn bản, do đó nguồn thu có thể có khoảng trống mà trong thời gian ngắn khó có thể lấp được. Do đó, việc thay đổi thuế phải có lộ trình.

Về việc một số doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng mức thuế suất và lộ trình tăng thuế, ông Hiển khẳng định chính sách thuế chung của Việt Nam là theo hướng giảm dần, khuyến khích đầu tư. Riêng thuế suất tài nguyên có thay đổi nhưng chưa vượt khung thuế suất đã được quy định.

Quan điểm của Việt Nam là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác chế biến sâu, chế biến tinh. Thực tế thời gian qua việc khai thác còn ồ ạt, gây ô nhiễm nặng nề, một số dự án thu không đủ khắc phục.

Cần cân nhắc và thận trọng

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng gặp nhiều thách thức. Do đó, cần tính đến mức thuế suất đề nghị tăng và lộ trình cho thích hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương thì đề nghị cơ quan trình và thẩm tra dự thảo Nghị quyết làm rõ điều chỉnh thuế suất thì người dân nơi có khoáng sản được khai tác được đảm bảo hài hòa với lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, ngoài đảm bảo hài hòa lợi ích, việc tăng thuế suất phải hướng đến mục tiêu cao nhất là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.


Thường vụ Quốc hội làm việc sáng 21/8

Nhấn mạnh đến góc độ quản lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc quản lý khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế và chủ yếu khai thác địa phương.

“Phải tăng cường quản lý vĩ mô, lấy lợi ích quốc gia chứ không chỉ tính riêng lợi nhuận cho tỉnh, huyện, xã, thậm chí theo nhiệm kỳ. Đừng tư duy theo kiểu nhà nghèo thì có gì là đem bán. Hôm nay bán hết thì ngày mai lại phải đi mua với giá cao hơn rất nhiều”, ông Hiện nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu rõ, quan điểm là không khuyến khích khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô. Tuy nhiên, việc tăng mức thuế suất tài nguyên là vấn đề quan trọng, có tác động lớn nên cần nghiên cứu kỹ.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục bàn thảo, nghiên cứu và thống nhất phương án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tới./.

Ngọc Thành

Theo VOV online

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,859

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079