Đề xuất sửa Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường với nhiều điểm nổi bật

21/10/2023 13:50 PM

Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường có những nội dung nổi bật nào?

Đề xuất sửa Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường với nhiều điểm nổi bật

Sửa đổi Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (Hình từ internet)

Đề xuất sửa Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường với nhiều điểm nổi bật

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Dự thảo sửa đổi 47 điều/169 điều, trong đó sửa đổi 01/03 điều tại Chương I; sửa đổi 03/18 điều tại Chương II; sửa đổi 08/11 điều tại Chương III; sửa đổi 08/23 điều tại Chương IV; sửa đổi 06/21 điều tại chương V; sửa đổi 10/12 điều tại chương VI; sửa đổi 03/10 điều tại chương VII; sửa đổi 01/13 điều tại chương IX; sửa đổi 01/30 điều tại chương X; sửa đổi 03/09 điều tại chương XI; sửa đổi 02/07 điều tại chương XII; sửa đổi 01/03 điều tại chương XIII; sửa đổi 16/34 phụ lục của Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Những nội dung nổi bật được đề xuất sửa đổi tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường gồm:

1. Các quy định sửa đổi, bổ sung để giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường

- Sửa đổi, bổ sung Phụ lục II: Điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng: chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn gây ô nhiễm; đồng thời quy định rõ đơn vị tính số lượng áp dụng cho sản xuất linh kiện điện tử, khối lượng áp dụng cho sản xuất thiết bị điện và nâng mức công suất so với quy định hiện hành, qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM. Ngoài ra, chỉnh lý, làm rõ hơn tên một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tra cứu.

- Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV:

+ Bổ sung quy định cận dưới của diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên (từ 03 ha trở lên); diện tích sử dụng từ 0,2 ha trở lên đối với rừng tự nhiên, từ 0,2 ha trở lên đối với rừng phòng hộ, từ 0,5 ha trở lên đối với vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển, vùng đệm của khu bảo tồn, từ 0,2 ha trở lên đối với vùng đất ngập nước quan trọng; diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của rừng tự nhiên (từ 0,1 ha trở lên) và rừng phòng hộ (từ 0,1 ha trở lên). Qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM.

+ Bổ sung mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm và nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện ĐTM (đề xuất từ 100 m3 /ngày trở lên đối với nước ngầm và từ 5.000 m3/ngày đêm trở lên đối với nước mặt mới phải thực hiện ĐTM, thay cho việc dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Tài nguyên nước là từ 10 m3 /ngày đối với nước ngầm và từ 100 m3 /ngày đối với nước mặt trở lên như hiện nay).

- Sửa đổi, bổ sung Điều 3: Bổ sung giải thích từ ngữ về đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cấp GPMT (không bao gồm dịch vụ hành chính công), qua đó sẽ giảm đối tượng cấp GPMT là trụ sở các cơ quan.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 30; số thứ tự 12 Phụ lục III và số thứ tự 11 Phụ lục IV: Rà soát, sửa đổi để đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền về UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Sửa đổi quy định về các trường hợp cơ sở đang hoạt động phải thực hiện ĐTM, cấp lại, điều chỉnh GPMT theo hướng: tăng từ 30% quy mô, công suất trở lên mới phải thực hiện ĐTM; tăng từ 5 đến dưới 30% phải cấp lại GPMT (không phải ĐTM); tăng dưới 5% chỉ phải điều chỉnh GPMT

2.2. Các quy định đẩy mạnh phân quyền cho địa phương giải quyết TTHC

2.3. Các quy định nhằm tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện, khắc phục một số lỗi kỹ thuật

- Quy định về BVMT di sản thiên nhiên;

- Quy định về yếu tố nhạy cảm về môi trường;

- Quy định về tham vấn trong ĐTM;

- Quy định về các trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt ĐTM nhưng chưa đi vào vận hành, cơ sở, K-CCN đang hoạt động có điều chỉnh, thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM;

- Quy định về GPMT, đăng ký môi trường;

- Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực;

- Quy định về quản lý chất thải;

- Quy định về EPR;

- Quy định về quan trắc môi trường;

-  Một số quy định liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra;...

Xem chi tiết nội dung tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Khẩn trương nghiên cứu sửa Nghị định 08/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và tăng cường phân cấp cho địa phương thực hiện.

Cụ thể tại Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; giao các Bộ, ngành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 08/3/2023 về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Chia sẻ bài viết lên facebook 12,340

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079