03 trường hợp sửa đổi hợp đồng với nhà thầu từ năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu từ năm 2024
Theo Điều 66 Luật Đấu thầu 2023, để ký kết hợp đồng với nhà thầu từ năm 2024 thì cần phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực. Đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tại thời điểm ký kết, thỏa thuận khung còn hiệu lực.
- Tại thời điểm ký kết, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.
Việc sửa đổi hợp đồng với nhà thầu có thể thực hiện trong các trường hợp sau đây:
(1) Các trường hợp do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật;
(2) Trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự;
(3) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng mà không do lỗi của chủ đầu tư.
(Khoản 1 Điều 70 Luật Đấu thầu 2023)
Từ năm 2024, hợp đồng với nhà thầu sẽ có 08 loại như sau:
(1) Hợp đồng trọn gói;
(2) Hợp đồng theo đơn giá cố định;
(3) Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh;
(4) Hợp đồng theo thời gian;
(5) Hợp đồng theo chi phí cộng phí;
(6) Hợp đồng theo kết quả đầu ra;
(7) Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm;
(8) Hợp đồng hỗn hợp.
(Xem chi tiết các loại hợp đồng tại Điều 64 Luật Đấu thầu 2023)
Cụ thể khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì hồ sơ hợp đồng với nhà thầu sẽ bao gồm các tài liệu sau đây:
- Văn bản hợp đồng
- Phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi công việc, biểu giá, tiến độ thực hiện (nếu có);
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu, hồ sơ hợp đồng có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau đây:
- Biên bản hoàn thiện hợp đồng;
- Biên bản thương thảo hợp đồng (nếu có);
- Văn bản thỏa thuận của các bên về điều kiện của hợp đồng, bao gồm điều kiện chung, điều kiện cụ thể;
- Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn;
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Tài liệu khác có liên quan.
(Điều 65 Luật Đấu thầu 2023)
Việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện như sau:
(1) Một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 64 Luật Đấu thầu 2023; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể;
(2) Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ.
Giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu như không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt;
(3) Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng; đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tất cả thành viên tham gia liên danh trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng hoặc thành viên liên danh ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm theo phân công tại thỏa thuận liên danh;
(4) Chính phủ quy định chi tiết Điều 67 Luật Đấu thầu 2023.
(Điều 67 Luật Đấu thầu 2023)