Nợ đọng văn bản đang thành “nợ xấu”

21/10/2013 08:44 AM

Nợ đọng văn bản đang là mối quan tâm không chỉ đối với các cơ quan thi hành pháp luật mà còn đối với toàn xã hội. Nó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Theo kết luận của Ủy ban Thường vụ thì vấn đề nợ đọng văn bản đã đến mức nghiêm trọng.

Theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành phải xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 140 văn bản để quy định chi tiết thi hành 50 luật, pháp lệnh.

Trong đó có bốn luật ban hành từ Quốc hội khóa trước, 35 luật pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành khóa này và 11 luật vừa được ban hành, chuẩn bị có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện Thủ tướng mới ban hành được 27 văn bản. Trong số 113 văn bản chưa được ban hành thì có đến 82 văn bản được coi là trong tình trạng nợ đọng. Dù vậy, Bộ Tư pháp vẫn quyết tâm đến cuối năm 2013 sẽ xóa nợ đọng văn bản bằng cách đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo nghị định được phân công.

Vấn đề là quyết tâm này thành hiện thực thì nợ đọng văn bản cũng không thể giải quyết được tận gốc vì khi một đạo luật được Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo thở phào, còn sau đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành như thế nào ít được quan tâm.

Còn nhớ, năm 2009, khi BLHS được sửa đổi, bổ sung xong thì Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã thống nhất phân công cho mỗi cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo 4-5 Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS sửa đổi, bổ sung. Thế nhưng gần năm năm qua, chỉ có một vài thông tư liên tịch được ban hành.

BLTTHS cũng không khá hơn, nhiều quy định vướng mắc đến nay vẫn chưa có giải thích, hướng dẫn nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Thật khó có thể đưa ra được một con số thống kê xem cần bao nhiêu văn bản hướng dẫn thi hành hai bộ luật trên; đến nay đã ban hành được bao nhiêu, còn bao nhiêu thuộc diện nợ đọng? Có thể ví nợ đọng văn bản hiện nay thuộc diện “nợ xấu” rất khó đòi!

Vì thế, để giải quyết loại “nợ xấu” này, nếu chỉ hô hào, kiến nghị, kiểm tra, đôn đốc, giải trình hoặc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự thảo hay quy trách nhiệm cho từng bộ trưởng thì cũng mới giải quyết được phần ngọn mà thôi.

Muốn giải quyết triệt để loại nợ này, cần đổi mới quy trình xây dựng pháp luật từ khâu soạn thảo, thông qua, giải thích, hướng dẫn đến thi hành.

Trước hết, Quốc hội cần thành lập một ủy ban soạn thảo dự án luật, chấm dứt tình trạng giao cho các cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án luật. Các sáng kiến luật của cá nhân, tổ chức đều gửi về ủy ban soạn thảo và chỉ có ủy ban soạn thảo dự án luật mới có quyền trình dự án luật ra Quốc hội. Khi trình dự án luật ra Quốc hội hoặc dự án pháp lệnh ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy ban soạn thảo nhất thiết phải trả lời được các câu hỏi: Vì sao lại quy định như vậy? Quy định như vậy thì được hiểu như thế nào? Những nội dung nào của luật cần giải thích hướng dẫn, nội dung giải thích hoặc hướng dẫn đó như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm giải thích, hướng dẫn...

Điều quan trọng khác là văn bản giải thích hay hướng dẫn phải được ban hành trước thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.

Với cách làm luật, pháp lệnh như hiện nay thì Bộ Tư pháp có ba đầu sáu tay cũng khó mà hối thúc các cơ quan hoàn thành dự thảo nghị định có chất lượng, đúng tiến độ. Chỉ có gom về một mối và lý giải các câu hỏi trên trước khi luật, pháp lệnh có hiệu lực mới giải quyết tận gốc loại “nợ xấu” này.

Đinh Văn Quế

Theo Pháp luật TP

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,775

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079