Bộ trưởng Tư pháp nói về nợ đọng văn bản

04/11/2013 17:39 PM

Trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến tình trạng nợ đọng Nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thưa Bộ trưởng, một cử tri viết thư gửi chương trình như sau: “Tôi theo dõi lâu nay thì thấy mỗi đạo luật được Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo lại thở phào, còn sau đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn lại ít được quan tâm. Chẳng hạn Luật Xử lý vi phạm hành chính, có liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân, doanh nghiệp, lại đang là luật có số văn bản quy định chi tiết thi hành tồn đọng nhiều nhất. Vì sao có thời gian chuẩn bị tới 1 năm kể từ ngày Luật được Quốc hội thông qua mà đến nay vẫn còn nhiều văn bản nợ động như vậy"? Bộ trưởng giải thích về hiện tượng này như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tình trạng chậm ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh là tình trạng tồn tại nhiều năm nay. Nhưng nói là hiện nay có tình trạng "cơ quan soạn thảo thở phào"sau khi Luật được thông qua và ít quan tâm đến công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành thì tôi cho là không hoàn toàn xác đáng.

Từ năm 2009 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này hết sức quyết liệt. 

Trước đây, để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Xử lý hành chính, Chính phủ đã phải ban hành gần 130 Nghị định. Số lượng rất nhiều và rất nhiều cái trùng giẫm nhau. Phải mất 3-4 tháng sau khi Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, làm việc với 19 bộ, ngành yêu cầu phải gom các lĩnh vực lại và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục 54 Nghị định (quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính - PV). 

Để hướng dẫn thi hành 2 điều trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì có rất nhiều những điểm cụ thể mà Chính phủ phải quy định (từ thế nào là hành vi vi phạm cho đến xử phạt biện pháp nào, những ai có quyền xử phạt từ Trung ương đến địa phương, đến mức nào...). Luật chỉ có 78 trang nhưng có tới 32 Nghị định đã được ban hành, tính ra là gần 120 trang. Luật chỉ có 142 điều nhưng có tới 32 Nghị định đã ban hành với gần 1.500 điều.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu 15 bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn nợ đọng Nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính (một trong những bộ luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức) phải khẩn trương hoàn tất, trình Chính phủ ban hành trước ngày 15/11/2013.

Cái khó là phải rà soát lại tất cả các quy định trước đây và tính khả thi trong thực tế là rất quan trọng. Mấy năm vừa rồi dư luận về câu chuyện đưa ra những quy định mà dân gian nói là “ở trên trời” đã khiến việc rà soát lại phải thực hiện rất kỹ. Về nguyên nhân chủ quan, tôi xin nói là Chính phủ cũng đã kiểm điểm. Bên cạnh đó, có những bộ có thể không phải chủ quan nhưng vừa qua, do phải tập trung quá nhiều vào ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành... nên có bộ chưa tập trung cao vào việc này.

Hiện tại chúng ta đã không đạt tiến độ đặt ra (trong việc ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính), khi mới chỉ có 32/51 Nghị định được bàn hành và còn thiếu 19 Nghị định (chưa kể các Thông tư hướng dẫn thi hành chi tiết), trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Như vậy trong 4 tháng vừa qua, chúng ta đã có "khoảng trống" trong xử lý vi phạm hành chính. Có thể hiểu như vậy được không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tất nhiên có quy định của Luật mà chưa có quy định chi tiết của Chính phủ thì phần nào đó sẽ giảm hiệu lực thi hành trực tiếp của Luật. Nhưng riêng Luật Xử lý vi phạm hành chính thì hơi khác, vì hầu hết các quy định của Luật có giá trị trực tiếp. Như tôi đã nói, Nghị định của Chính phủ chủ yếu để hướng dẫn thi hành 2 điều luật còn 140 điều khác đều có giá trị trực tiếp.

Trong thực tế, vào đúng ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, một số ngành, địa phương có khó khăn, vướng mắc, lúng túng nhất định. Biết trước tình hình như vậy, Chính phủ đã thảo luận và đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục áp dụng các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính (cũ); tiếp tục sử dụng biên lai, biên bản xử phạt cũ cho đến khi có Nghị định mới, biểu mẫu mới được ban hành.

Nhưng nếu xử lý theo quy định cũ thì có thiệt thòi cho người dân và các tổ chức không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Luật Xử lý vi phạm hành chính đưa ra mức xử phạt rất cao so với Pháp lệnh cũ (trước đây, tối đa chỉ 500 triệu đồng, nhưng Luật nâng mức phạt tối đa lên 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân). Nếu nói về “lợi ích” của người vi phạm thì việc xử phạt theo quy định cũ, về đại thể, chắc là có lợi hơn, nhưng xét về trật tự quản lý hành chính Nhà nước và thu ngân sách qua việc xử phạt, cũng có hạn chế.

Thưa Bộ trưởng, còn 19 Nghị định chưa kịp ban hành, chưa kể những văn bản quy phạm pháp luật khác, sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Qua theo dõi của Bộ Tư pháp, đã có 18 Nghị định được thẩm định, đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và tôi tin tưởng rằng từ nay đến ngày 15/11 tới, 18 Nghị định sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành, còn 1 Nghị định, Chính phủ cho phép “khất” cũng có lý do của nó, đó là Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Phương Nguyên

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,137

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079