Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức

16/12/2023 08:53 AM

Cho tôi hỏi theo Nghị định mới thì có bỏ thi thăng hạng viên chức hay không? Quy định về xét thăng hạng viên chức có thay đổi gì không? – Hoàng Hà (Phú Yên)

Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức

Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức, có hiệu lực từ ngày 07/12/2023.

Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ các quy định về thi thăng hạng viên chức sau đây:

- Bãi bỏ: Khoản 3, khoản 4 Điều 37; khoản 6 Điều 62; khoản 4 Điều 63 và khoản 4 Điều 64.

- Bãi bỏ cụm từ: “thi hoặc”, “dự thi hoặc” tại khoản 2 Điều 29, Điều 31, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, khoản 3 Điều 62, khoản 2 Điều 67.

Như vậy, từ ngày 07/12/2023, đã chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức. Do đó, việc thay đổi chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp chỉ được thực hiện dưới hình thức xét thăng hạng viên chức.

2. Một số quy định về xét thăng hạng viên chức

2.1. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng viên chức

- Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;

+ Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

+ Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét;

+ Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.

Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác (không tính thời gian tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP) theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

Trường hợp tính thời gian tương đương thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét ít nhất 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

- Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện trên, Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi của viên chức.

Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I áp dụng cho viên chức hành chính, viên chức văn thư và viên chức lưu trữ.

Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề nếu đang làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với chức danh nghề nghiệp được xét và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xét.

Đối với trường hợp viên chức đang xếp ở hạng chức danh nghề nghiệp mà hạng chức danh nghề nghiệp này không còn theo quy định của pháp luật hiện hành thì được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ nếu đang công tác ở vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện trên. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp có sự thay đổi mã số chức danh nghề nghiệp.

(Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP)

2.2. Nội dung, hình thức xét thăng hạng

- Nội dung: Đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều tại mục 2.1.

- Hình thức: Thẩm định hồ sơ.

(Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,705

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079