Hỗ trợ kinh phí hoạt động với tổ dân vận thôn, tổ dân phố tại Hà Nội (Hình từ internet)
Nội dung đề cập tại Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với tổ dân vận thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo đó, quy định về mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với tổ dân vận thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội cụ thể như sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với tổ dân vận thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố.
- Đối tượng áp dụng: Tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với tổ dân vận thôn, tổ dân phố:
+ Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động: 6.500.000 đồng/tổ/năm
+ Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước theo phân cấp.
Trong giai đoạn ổn định ngân sách năm 2024-2025: Ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu phần kinh phí tăng thêm.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND
- Giao Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Trường hợp văn bản được dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng các văn bản khác của cấp có thẩm quyền thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức, triển khai thực hiện đúng quy định (các nội dung chi từ nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện theo Phụ lục 03 Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội và các quy định hiện hành); Đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện tại các đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý.
- Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết 19/2023/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 18/12/2023.
Theo Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BNV năm 2022, nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố được quy định như sau:
1. Cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc tự quản trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Cộng đồng dân cư tham gia bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về các công việc của thôn, tổ dân phố và của cấp xã theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
3. Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, phòng, chống các tệ nạn xã hội.
4. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.
5. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.