Tại Nghị quyết 104/2023/QH15 có đề cập nội dung về cải cách tiền lương như sau:
Từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Như vậy, từ này 01/7/2024, sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới với cán bộ, công chức viên chức theo vị trí việc làm.
>> Xem thêm: Mốc thời gian ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27
Không sửa đổi chính sách tiền lương hiện hành cho đến khi có văn bản hướng dẫn Nghị quyết 27 (Hình từ internet)
Nội dung này được đề cập tại Công văn 735C/TANDTC-TCCB năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Văn bản này trả lời đề nghị của cử tri về việc nâng chế độ bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân khi tham gia phiên tòa cho tương xứng với lương cơ sở hiện nay.
Về nội dung kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao xin được trả lời như sau:
Chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa (trong đó có Hội thẩm nhân dân) được quy định tại Quyết định 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự.
Kể từ khi Quyết định 41/2012/QĐ-TTg có hiệu lực (từ ngày 01/01/2013), qua 10 năm với nhiều lần Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở (từ 1.050.000đ của năm 2012 lên 1.800.000đ như hiện nay, tăng 71,4%) nhưng mức chi bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự không thay đổi. Tòa án nhân dân tối cao đã nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung Quyết định 41/2012/QĐ-TTg theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và nâng định mức bồi dưỡng cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.
Tuy nhiên, tại Công văn 8476/VPCP-KTTH ngày 06/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
“Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Vì vậy, việc sửa đổi Quyết định 41/2012/QĐ-TTg chưa được xem xét, tiến hành trong thời gian qua.
Hiện nay, theo chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tòa án nhân dân tối cao được giao chủ trì xây dựng Pháp lệnh về chi phí tố tụng. Tòa án nhân dân tối cao đang nghiên cứu để đưa vấn đề về chế độ bồi dưỡng của Hội thẩm nhân dân vào trong nội dung xây dựng Pháp lệnh trên. Theo kế hoạch, Pháp lệnh về chi phí tố tụng sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 2023.
Như vậy, theo nội dung tại Công văn 8476/VPCP-KTTH ngày 06/9/2018 thì ở thời điểm này sẽ không sửa đổi chính sách tiền lương hiện hành cho đến khi có văn bản hướng dẫn Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương (áp dụng từ 01/7/2024).