Khẩn trương hoàn thiện các văn bản để triển khai chế độ tiền lương mới (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Khẩn trương hoàn thiện các văn bản để triển khai chế độ tiền lương mới là nội dung tại Nghị quyết 20/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định và công việc cụ thể để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Ngoài ra, liên quan đến chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024, Chính phủ còn yêu cầu:
- Bộ Tài chính:
+ Khẩn trương rà soát, tổng hợp các vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ cơ chế tài chính đặc thù để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2023, đảm bảo triển khai đồng bộ với chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
+ Báo cáo Chính phủ trong tháng 02 năm 2024 phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
- Bộ Nội vụ: Quyết liệt đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và danh mục chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền trong hệ thống hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 31/3/2024, bảo đảm tiến độ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2024.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi cải cách tiền lương sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:
(1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;
(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
- Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:
+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
- Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
+ 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
+ 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
+ 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
(Trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).