Quy định về chỉ định thầu thông thường trường hợp chỉ có một nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu (Hình từ internet)
Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, quy trình chỉ định thầu thông thường áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu được quy định tại Điều 76 Nghị định 24/2024/NĐ-CP như sau:
1. Việc chỉ định thầu phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Quy trình chỉ định thầu thông thường được áp dụng đối với gói thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023; chủ đầu tư quyết định gửi hồ sơ yêu cầu cho một nhà thầu.
2. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:
2.1. Lập hồ sơ yêu cầu:
- Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm: thông tin tóm tắt về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá chỉ định thầu; điều kiện về hợp đồng.
- Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật. Hồ sơ yêu cầu được nêu rõ ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, các yêu cầu về kỹ thuật, dịch vụ có liên quan (nếu có);
2.2. Trình, thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu: hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 129 Nghị định 24/2024/NĐ-CP trước khi phê duyệt. Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải được thực hiện bằng văn bản căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu;
2.3. Xác định nhà thầu dự kiến được mời nhận hồ sơ yêu cầu:
- Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và thông tin sơ bộ về nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu, chủ đầu tư xác định một nhà thầu dự kiến được mời nhận hồ sơ yêu cầu; không phải đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu dự kiến được mời nhận hồ sơ yêu cầu khi xác định nhà thầu này.
- Nhà thầu được dự kiến chỉ định thầu và nhận hồ sơ yêu cầu khi có tư cách hợp lệ quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023; đối với nhà thầu là hộ kinh doanh khi có tư cách hợp lệ quy định tại các điểm a, b khoản 2 và các điểm d, e khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu là cá nhân, nhóm cá nhân chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình được dự kiến chỉ định thầu và nhận hồ sơ yêu cầu khi đáp ứng tư cách hợp lệ quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023.
3. Tổ chức lựa chọn nhà thầu:
- Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu dự kiến chỉ định;
- Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất căn cứ hồ sơ yêu cầu.
4. Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:
- Việc đánh giá hồ sơ đề xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo (nếu có), làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ đề xuất để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;
- Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt.
5. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu
Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
6. Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng:
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác. Việc hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Trịnh Thị Hồng Vân