Những yêu cầu của Chính phủ về Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới (Hình từ internet)
Theo Thông báo 127/TB-VPCP ngày 28/3/2024 tại cuộc họp cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ đã có những kết luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong đó đề ra những yêu cầu quan trọng cho Bộ Công an về hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể như sau:
(1) Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư; không gây xung đột với luật khác nhất là các luật mới ban hành; có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; đề cao công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; những nội dung chưa ổn định cần giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất trang, thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam.
(2) Về phạm vi điều chỉnh của Luật: thống nhất điều chỉnh hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày nhằm cứu nạn, cứu hộ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với các tai nạn, sự cố chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023 (Có hiệu lực từ ngày 01/7/2024)
(3) Về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài: rà soát, quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài có quy định an toàn phòng cháy chữa cháy cao hơn Việt Nam.
(4) Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với công trình cải tạo: tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy chữa cháy nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.
(5) Về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thống nhất quy định này theo hướng đồng bộ với pháp luật về xây dựng; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa liên thông” để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Có cơ chế đối với các công trình đặc thù, giao cho cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an.
(6) Về miễn trừ các thủ tục với cơ quan đại diện: nghiên cứu quy định theo nguyên tắc có đi, có lại.
(7) Về quy định chuyển tiếp: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, thống nhất bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các quy hoạch, hồ sơ dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; lưu ý giải pháp xử lý đối với công trình hiện hữu, bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy và giao Chính phủ quy định cho phù hợp với thực tế để các bộ, địa phương có căn cứ thực hiện giải pháp kỹ thuật khắc phục những vướng mắc, tránh lãng phí nguồn lực.
Xem chi tiết tại Thông báo 127/TB-VPCP ngày 28/3/2024.
Trương Quang Vĩnh